Lý do mà Hiệp hội Mía đường đưa ra là từ tháng 4 đến nay, hàng trăm nghìn tấn đường trong nước đã xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, xuất lậu, khiến nguy cơ thiếu hụt đường trong nước là có. Hiệp hội cho rằng, nếu tình hình tiếp diễn sẽ đẩy giá đường trong nước tăng cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Và số đường còn lại trong nước hiện nay sẽ không thể đủ đến giáp vụ sau.
Hiện giá đường bán lẻ trong nước đã ở mức 23.000 – 24.000 đồng một kg, còn giá đường thế giới trên 730 USD mỗi tấn Ảnh: TNLinh |
Việc xin nhập để bù đắp thiếu hụt sẽ chẳng có gì đáng nói, vì vẫn còn tới gần 130.000 tấn đường theo hạn ngạch, đây cũng chính là lượng đường mà Bộ Công thương cho hoãn theo kiến nghị của Hiệp hội cách đây không lâu. Điều đáng bàn ở đây là sự bất nhất trong những con số đưa ra từ Hiệp hội khiến người ta không khỏi nghi ngờ. Một tháng trước, khi xin ngưng nhập, Hiệp hội đưa ra con số tồn kho khoảng 800.000 tấn, trong khi Bộ Công thương khẳng định là 670.000 tấn. Hiệp hội cho rằng thừa 100.000 tấn trước khi bước vào mùa vụ mới. Lúc đó không nghe tổ chức này nói đến chuyện đường xuất lậu sang Trung Quốc mà chỉ kêu ca nguồn đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam ảnh hưởng đến tình hình phân phối của các doanh nghiệp trong nước.
Giả sử chuyện xuất lậu hàng trăm ngàn tấn đường sang Trung Quốc là thật chăng nữa thì khó có thể có chuyện 1 tháng qua không phải là tháng tiêu thụ cao điểm mà trong nước tiêu thụ tới hơn 200.000 tấn đường, trong khi lượng đường tiêu thụ 4 tháng đầu năm chỉ là 468.000 tấn (trung bình mỗi tháng khoảng 117.000 tấn), để đến mức trong nước hiện còn không tới 500.000 tấn (?).
Việc nhập khẩu gần 130.000 tấn theo hạn ngạch năm nay chỉ là chuyện trước sau. Tuy nhiên, lý do “để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng” thì cũng cần phải xem xét lại. Vì một tháng trước khi xin ngưng nhập, lúc đó giá đường thế giới đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng, nếu nhập để trữ, ổn định giá đường trong nước đến cuối năm nghe sẽ có lý hơn là vào đúng thời điểm giá đường tăng vù vù như hiện nay. Hiện giá đường bán lẻ trong nước đã ở mức 23.000 – 24.000 đồng một kg, còn giá đường thế giới trên 730 USD một tấn. Hơn nữa, trong mọi trường hợp giá đường trong nước tăng cao quá thì hầu hết nhà sản xuất, cung cấp trong nước có chung giải thích là ảnh hưởng của giá đường thế giới. Vậy cách ngưng nhập lúc giá rẻ, xin nhập lúc giá cao phải chăng đã lạm dụng cụm từ “vì quyền lợi người tiêu dùng?”.
Nguyên Khải
ĐVO
0 nhận xét