Người lao động nghèo sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi lạm phát tiếp tục tăng cao - Ảnh: Hoàng Hà.
Chưa đủ độ sâu
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội nửa năm qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại cuộc họp nêu rõ, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của 6 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá với tăng trưởng GDP ước đạt 5,6%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,16%).
Những kết quả được xem là tích cực còn thể hiện ở thu ngân sách tăng, bội chi giảm, tỷ giá, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, an sinh xã hội được quan tâm…
Ghi nhận nhiều kết quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, song không ít ý kiến cho rằng cuộc sống của đại bộ phận nhân dân chưa được cải thiện, cử tri lo âu trước sức ép lớn về lạm phát. Bên cạnh đó khu vực doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Lạm phát cao hơn mức Quốc hội phê chuẩn, tăng GDP thấp hơn mục tiêu thì chất lượng tăng trưởng như thế nào, có thực sự là tăng khá hay không? Cần đánh giá tăng trưởng theo tiêu chí gắn với chất lượng đời sống người dân, tăng trưởng khá mà chất lượng đời sống người dân giảm có hợp lý? Đại biểu Nguyễn Văn Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, nêu hàng loạt câu hỏi trước khi đưa ra đề nghị.
Cùng băn khoăn về vấn đề thực chất, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền đã nêu một “nghịch lý”, đó là qua khảo sát thực tế thì việc cắt giảm đầu tư công, thắt chặt chính sách tiền tệ là một trong những nguyên nhân khiến khu vực sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, do khả năng tiếp cận các nguồn vốn khó, lãi suất cho vay cao, song tại nhiều địa phương tăng trưởng kinh tế vẫn cao, thu ngân sách vẫn vượt chỉ tiêu.
Vốn không tăng lên, mà năng suất giảm đi thì tăng trưởng sản xuất ở đâu? Phó chủ nhiệm Vũ Viết Ngoạn tiếp tục đặt câu hỏi.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng tình với nhận xét của nhiều đại biểu là báo cáo vẫn nặng về hình thức, chưa đủ độ sâu, chưa phản ánh chính xác tình hình và nêu được những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế.
Liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, theo ông Kiên, điều hành “giật cục” thể hiện ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ riêng ở chính sách tiền tệ như nhiều ý kiến đã “phê”.
Một điểm được Phó chủ tịch nhấn mạnh là đôi khi Chính phủ chưa thực sự lắng nghe Quốc hội. Ví dụ khi đặt vấn đề xóa bỏ thị trường phi chính thức về ngoại tệ và vàng thì Quốc hội đã yêu cầu phải mở ra thị trường chính thức.
“Nhưng trong một thời gian dài Chính phủ chả nói gì đến thị trường này, không làm theo nghị quyết của Quốc hội nên người dân hoang mang”, ông Kiên nói.
Với nhận xét đa số dân cư hiện chỉ có thu nhập đủ cho chi tiêu, khó có tích lũy, ông Kiên cũng đề nghị cần thông tin rộng rãi, khách quan, minh bạch về tình hình kinh tế xã hội, nói đậm đà yếu kém của nội tại nền kinh tế để nhân dân chia sẻ, lấy lại niềm tin của dân.
Tại sao lạm phát không được kéo xuống?
Mổ xẻ những yếu kém của điều hành kinh tế, dồn nén nỗi lo và cả sự sốt ruột trong hầu hết các ý kiến chính là những nhận định về lạm phát.
Việc lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao cũng được Chính phủ nhìn nhận là một trong nhiều hạn chế, yếu kém trong nửa năm qua.
Có 4 nguyên nhân chủ yếu được báo cáo chỉ rõ là giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng mạnh; việc điều chỉnh tăng một số mặt hàng thiết yếu, tăng tỷ giá, lãi suất làm tăng giá hàng hóa; phản ứng tăng giá dây chuyền do tâm lý người tiêu dùng bị tác động và do thiệt hại, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp làm giá lương thực, thực phẩm tăng cao…
Tuy nhiên giải thích này được nhiều ý kiến cho là “chưa thỏa đáng” vì năm nào cũng lặp lại bằng ấy nguyên nhân, nhưng lạm phát cứ ngày một tăng cao.
Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc phân tích, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tăng lãi suất là nguyên nhân của lạm phát, nhưng ngân hàng thương mại cho rằng do lạm phát cao nên phải tăng lãi suất?.
Tại sao những nước cũng có điều kiện như Việt Nam lại không có mức lạm phát cao, và các nước đặt ra chỉ tiêu lạm phát thì đều tìm các giải pháp để kéo lạm phát xuống đúng chỉ tiêu đặt ra, tại sao nước ta lại không làm được? Ông Phúc sốt ruột, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đã tăng ước khoảng 16% so với cùng kỳ 2010.
Nhắc đến “căn bệnh” cũ là dự báo không sát tình hình, Phó chủ nhiệm Vũ Viết Ngoạn cũng băn khoăn, phải chăng do dự báo chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 6 -7% nên đầu năm đã quyết định thay đổi mặt bằng giá? Đây có phải là yếu tố đã tác động đến tâm lý người dân, trong khi công tác quản lý còn hạn chế nên đã tạo cơn bão giá?
Bất ổn phải giải quyết từ gốc
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, thực tế từ Tp.HCM cho thấy bất ổn kinh tế vĩ mô lớn nhất là CPI cao và sự mất giá của tiền đồng.
Nêu thực tế CPI đã giảm, song vị chuyên gia kinh tế này cũng lo ngại khó khăn mới sẽ lại xuất hiện nếu nguyên nhân xuất phát từ sức mua.
“Do vậy, điều hành trong thời gian tới không chỉ chú ý đến CPI, bởi nếu CPI giảm do sức mua giảm sẽ để lại khó khăn cho năm sau, lúng túng trong điều hành”, ông Lịch đề nghị.
Theo ông Lịch, báo cáo thẩm tra cần thể hiện được những vấn đề căn cơ của nền kinh tế như chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bởi gốc bất ổn kinh tế hiện nay là do cơ cấu kinh tế, các biện pháp hiện nay mới tác động bên ngoài.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Mai Ánh Tuyết cho rằng, trong điều kiện hiện nay khó đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này cần xác định phải có giao thời, tiến trình thực hiện. Chính phủ cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng. Các ngành và địa phương thực hiện đồng bộ chủ trương lớn này, bà Tuyết đề nghị.
Các nội dung trong cơ cấu nền kinh tế cần phải được thực hiện mạnh mẽ, để tránh tình trạng chỉ loanh quanh các giải pháp ngắn hạn, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền phát biểu kết thúc một ngày “mổ xẻ” tình hình kinh tế, xã hội.
Nguyên Hà (VnEconomy)
0 nhận xét