Ngay trong điều kiện lãi suất cao kéo dài, các doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại, vì họ luôn có thể tiếp cận được các nguồn vốn rẻ hơn. Trong gần một thập niên qua, khu vực kinh tế nhà nước nhận được nhiều ưu đãi về nguồn vốn để tăng trưởng. Nhưng quá nhiều vốn cũng không phải là điều hay. Sẵn nguồn vốn trong tay, các tập đoàn kinh tế mang tham vọng phát triển cả chiều dọc lẫn chiều ngang, lấn sang các lĩnh vực khác không thuộc chuyên môn của ngành mình. Đó là một sự tăng trưởng phì đại lãng phí, không chuyên nghiệp, không hiệu quả và không thể kiểm soát được. Những gì còn lại của quá trình tăng trưởng phì đại này sau nhiều năm là một gánh nợ nặng nề cần được xử lý và một áp lực lạm phát cũng nặng nề không kém mà nền kinh tế phải oằn vai đối phó.
Nghị quyết 11 của Chính phủ đã mở ra con đường đúng đắn cho các doanh nghiệp nhà nước để tồn tại và phát triển, đồng thời buộc họ phải thực hiện các điều chỉnh cần thiết về cơ cấu tài chính cũng như về chiến lược kinh doanh nhằm duy trì vai trò quan trọng mà Nhà nước dành cho họ trong tiến trình phát triển của nền kinh tế đất nước.
Dù vẫn được xem là những đứa con cưng của nền kinh tế quốc dân, nhưng giờ đây doanh nghiệp nhà nước biết rằng họ sẽ không thể tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng và sử dụng chúng một cách hào phóng như trước, khi Chính phủ phải thực hành tiết kiệm đầu tư công và khi các khoản vay nợ nước ngoài đang được Quốc hội giám sát chặt chẽ. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh có quyết tâm cải cách, việc điều chỉnh không chỉ là nghĩa vụ tuân thủ một quốc sách hay một quy tắc pháp lý mà còn là một trách nhiệm về đạo đức kinh doanh đối với lợi ích chung của toàn nền kinh tế.
Trước tình hình các nguồn tài nguyên quốc gia ngày càng khan hiếm và bị tranh chấp không những trong phạm vi khu vực mà cả trên toàn cầu, trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, công cũng như tư, đối với chính họ cũng như đối với đất nước, là phải từng ngày, từng giờ, từng nơi, thực hành tiết kiệm các nguồn vốn có được trong tay và sử dụng chúng một cách có hiệu quả cao nhất. Các chiến lược phát triển kinh doanh phải thay đổi. Không thể tăng trưởng mọi chiều bằng mọi giá. Đầu tư tràn lan, hậu quả của chiến lược tăng trưởng theo chiều ngang cần phải chấm dứt vì quá lãng phí và không chuyên nghiệp.
Kinh nghiệm vừa qua cho thấy đầu tư của các tập đoàn công nghiệp vào lĩnh vực dịch vụ tài chính như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán hầu hết là không hiệu quả. Sự cạnh tranh của họ trong các ngành này không phản ánh tính chất lành mạnh của môi trường cạnh tranh mà chỉ là một hiện tượng giẫm chân, lấn sân, chồng chéo và lãng phí trong việc sử dụng nguồn nhân lực và đồng vốn từ ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp đồng thời phản ánh sự thiếu vắng một mục tiêu chiến lược sản xuất kinh doanh nhất quán, một ý chí đầu tư hiệu quả của chính họ.
Chắc chắn rồi đây các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng sẽ nhận được các hỗ trợ cần thiết từ ngân sách để lành mạnh hóa tình hình tài chính của họ, nhưng cũng sẽ bị buộc phải tuân thủ một kỷ luật tài chính nghiêm minh hơn. Các nguồn vốn cung ứng cho họ sẽ không dồi dào như trước nhưng vẫn đủ để họ tăng trưởng và giữ vị trí hàng đầu. Đó có thể là một cơ hội tốt giúp cho các doanh nghiệp nhà nước chọn lựa chiến lược phát triển theo ngành dọc, một sự chọn lựa xem ra hợp lý hơn.
Tuy nhiên, dù là đầu tư tập trung phát triển theo ngành dọc, tính chuyên nghiệp, tính cạnh tranh và tính hiệu quả vẫn phải là chuẩn mực tối thiểu cho mọi quyết định đầu tư mới và đánh giá kết quả đầu tư. Chúng ta hy vọng rằng, với một chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp hơn với môi trường kinh tế vĩ mô mới mà Nghị quyết 11 của Chính phủ tạo ra, các doanh nghiệp quốc doanh sẽ hoạt động hiệu quả hơn trước. Kết quả này có thể đo lường được qua chỉ số ICOR của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và những năm kế tiếp.
Tuy nhiên, những điều chỉnh về chiến lược phát triển của khu vực kinh tế nhà nước chỉ khả thi khi các doanh nghiệp quốc doanh tham gia tích cực hơn và nhanh chóng hơn vào tiến trình cổ phần hóa. Khi nguồn vốn từ ngân sách quốc gia đang được thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát trước mắt và xây dựng các cân đối kinh tế vĩ mô trong lâu dài, việc xã hội hóa đồng vốn của các doanh nghiệp nhà nước là điều cần làm để duy trì một tương lai phát triển lành mạnh và một vị trí quan trọng của họ trong nền kinh tế đất nước.
Nhưng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ không thành công nếu chỉ mang tính hình thức, bình mới rượu cũ. Cổ phần hóa không nhằm giải quyết vấn đề vốn, thực tế đây là yếu tố kém quan trọng nhất trong chương trình cổ phần hóa. Cổ phần hóa chỉ thành công khi nó thực sự mang lại một sự thay đổi căn bản về phương thức tổ chức, quản trị, nhân sự, về quá trình ra quyết định, khi nó cung cấp được những giải pháp tốt hơn, hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn cho doanh nghiệp trong việc quản lý, điều hành, quản trị nguồn nhân lực nhằm tạo được động lực làm việc và nâng cao năng suất của người lao động, khi nó đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp, khi nó xây dựng được một nền tảng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và một tinh thần tôn trọng đạo đức kinh doanh.
Những nỗ lực tái cấu trúc có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam, công cũng như tư, có được những chiếc thuyền công ty vững chắc, có thủy thủ đoàn tinh nhuệ, được trang bị đầy đủ để ra khơi đánh bắt. Nhưng làm cho sóng yên gió lặng là trách nhiệm của các chính sách kinh tế vĩ mô. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đặt những điều kiện ban đầu cho việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tiết kiệm công chi, giảm thiểu đầu tư công và hạn chế vay nợ nước ngoài nếu được thực hiện nghiêm chỉnh và bền chí sẽ giúp giảm thiểu khiếm hụt ngân sách. Công chi giảm tạo điều kiện để giảm thuế, còn giảm thuế lại là một yếu tố quan trọng kích thích phát triển sản xuất kinh doanh, giúp tăng trưởng nguồn tiết kiệm và đầu tư rất hiệu quả của khu vực tư.
Mục tiêu giảm bớt khiếm hụt cán cân thương mại đòi hỏi một chính sách tỷ giá hợp lý trong lâu dài nhằm khuyến khích xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Điều này cũng có nghĩa là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước phải được nâng cao, với sự hỗ trợ của một mức thuế suất thấp và lãi suất thấp. Mức lãi suất ngân hàng cao hiện nay, được cho là biện pháp kiềm chế lạm phát sẽ phải được đưa xuống thấp để doanh nghiệp Việt Nam có thể duy trì được năng lực cạnh tranh của họ so với các đồng nghiệp tại các nước láng giềng. Duy trì tỷ giá ổn định và một mức lãi suất ngân hàng cao có thể hấp dẫn dòng ngoại tệ trước mắt đổ vào hệ thống ngân hàng Việt Nam đổi ra tiền đồng để hưởng lãi suất cao, và làm tỷ giá đồng Việt Nam cao hơn thực tế, nhưng sau đó toàn nền kinh tế phải trả giá. Đó là điều đã xảy ra cho chúng ta vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy nền kinh tế sẽ ít bị biến động nếu chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có một sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hướng đến mục tiêu tăng trưởng ổn định và cân bằng toàn dụng. Trong tình hình thế giới đang khan hiếm lương thực và nguồn năng lượng, giữ vững ổn định giá cả hàng hóa trong lâu dài rất khó, nhưng điều có thể làm được trong tầm tay là không gây ra bất ổn giá cả từ các yếu tố chủ quan nội tại như đầu tư không hiệu quả, khiếm hụt ngân sách quá lớn hoặc quốc sách tiết kiệm không được thực thi tốt.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng ổn định, nên có một sự phân công hợp lý giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ dựa trên nguyên tắc cơ bản là sự sung dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước. Chúng ta thấy rằng công cụ của chính sách tiền tệ là tín dụng, còn chất lượng của tín dụng là hiệu quả của các dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp, do đó sự sung dụng các nguồn vốn cho nền kinh tế thông qua kênh tín dụng của hệ thống ngân hàng có hiệu quả hơn hẳn sự sung dụng từ ngân sách nhà nước. Như vậy, điều hợp lý là chính sách tiền tệ phải giữ vai trò đầu tàu của tăng trưởng kinh tế với trách nhiệm điều hành của người nhạc trưởng là Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo tín dụng ngân hàng vừa hiệu quả, vừa có tính chọn lọc.
Trong khi đó, chính sách tài khóa về lâu dài sẽ nhằm vào mục tiêu quân bình ngân sách. Các quy định về kỷ luật ngân sách, chính sách tiết kiệm công chi và đầu tư công, các biện pháp về thuế suất... cho thấy chính sách tài khóa thích hợp hơn trong vai trò kiềm chế và ngăn chặn lạm phát.
Nếu sự phối hợp và phân nhiệm này được xác lập, các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ ổn định, nhất quán và có thể tiên liệu được trong lâu dài, các doanh nghiệp có quyền tin rằng họ sẽ có được "trời yên, biển lặng" khi ra khơi đánh bắt.
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
0 nhận xét