Bấy lâu nay, Bắc Kinh luôn khẳng định rằng, quân đội của họ trước tiên là để phòng thủ, nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy vậy, tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc đang làm các nước láng giềng và cả Mỹ bất an.
Quan chức quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh, quân đội nước này (gọi tắt là PLA) còn tụt hậu sau quân đội Mỹ nhiều thập niên, khi họ gắng biện minh cho 20 năm gia tăng ngân sách quân sự gần như luôn ở mức hai con số. Rất nhiều người Trung Quốc cũng đồng tình như thế, ví dụ như Lai Pau Mok. "So với Mỹ, còn con đường rất dài phía trước", ông nói. Như nhiều người Trung Quốc khác, ông tin là một quân đội mạnh là điều cần thiết để đối trọng với Mỹ. "Nếu quân đội của chúng tôi đủ mạnh, sẽ không có chiến tranh. Nếu quân đội của chúng tôi không đủ mạnh, chiến tranh sẽ tới".
Qua rồi lúc "ẩn mình chờ thời"?
Khi Hong Kong trở về Trung Quốc năm 1997, rất nhiều cư dân Hong Kong đã lo lắng khi binh lính Trung Quốc ầm ầm qua biên giới. Nhưng tình hình bây giờ khác hẳn. "Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn. Tất cả mọi người đều thấy tự hào với thực tế này", một người khác trong đám đông nói.
Thật vậy, những vũ khí quân sự mới của Bắc Kinh đã khiến giới tình báo quốc phòng Mỹ cảm thấy bất ngờ, như ông chủ Lầu Năm Góc Robert Gates công khai thừa nhận trong tháng 1. Trung Quốc đã tiến hành bay thử loại máy bay tàng hình mới đầu tiên J-20 đúng vào lúc ông Gates thăm Bắc Kinh hồi tháng 1. Và giờ đây, Trung Quốc đã gần như hoàn thành con tàu sân bay đầu tiên mang tên Varyag - con tàu được nâng cấp sau khi mua từ Ukraine.
Tuần trước, Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức lần đầu tiên đã chính thức xác nhận về sự tồn tại của con tàu nay. Ông nói: "Tàu sân bay giờ đây đang được xây dựng, và chưa hoàn tất".
"Họ thay đổi tàu Varyag từng ngày, từng giờ", Andrei Chang, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng châu Á nói. "Chúng ta đã chứng kiến họ lắp đặt hệ thống điện tử, ăng ten radio - tất cả mọi thứ đã được thực hiện".
Ông tin là, con tàu chủ yếu sử dụng cho mục tiêu huấn luyện trong khi Trung Quốc nỗ lực chuẩn bị xây dựng tàu sân bay của chính họ. Hạm đội tàu sân bay Trung Quốc cuối cùng có thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự, đe doạ ưu thế Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo Chang, đây chỉ là m ột thứ vũ khí trong cả kho vũ khí của Trung Quốc. "So với Nga và Mỹ, chỉ có Trung Quốc đồng thời xây dựng cả tàu sân bay, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược, máy bay tàng hình, tàu ngầm hạt nhân tấn công, vệ tinh GPS, tất cả mọi thứ cùng một lúc", Chang nói.
Tốc độ gia tăng quân sự cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc, sự tự tin có thể là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên "ẩn mình và chờ thời" mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây chủ trương theo đuổi. Bắc Kinh đã thể hiện sự quả quyết mới, công khai các cuộc tập trận quân sự và đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, thậm chí là gây hấn ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Việt Nam và Philippines quanh vấn đề chủ quyền Biển Đông, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc diễn tập phòng thủ hàng hải, đổ bộ bãi biển và điều động một trong các tàu tuần tra hàng hải lớn nhất của mình tới Biển Đông. Và cách nhìn của dân Trung Quốc dường như còn cứng rắn hơn thế; cho dù Bắc Kinh cam kết không sử dụng vũ lực, nhưng kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, 82,9% người Trung Quốc được hỏi đề nghị Trung Quốc nên sử dụng các hành động quân sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Nhưng có một số người tin rằng, tham vọng quân sự của Trung Quốc không còn là điều mới mẻ. "Giấc mơ quân sự của Trung Quốc là xây dựng một quốc gia mạnh nhất thế giới, số 1 trong sức mạnh quân sự", Đại tá Lưu Minh Phúc nói trong cuộc phỏng vấn đăng trên trang web Tạp chí Người quan sát Quốc phòng như vậy. Cuốn sách của ông "Giấc mơ Trun Quốc" được dạy trong các trường quân sự Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông bác bỏ rằng, quân đội Trung Quốc là mối đe doạ. "Chúng tôi quá yếu và không an toàn", Lưu nói. "Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay cửa ngõ của chúng tôi và sử dụng các tàu sân bay để phô trương sức mạnh quân sự. Từng người Trung Quốc đều có thể cảm nhận mối đe doạ quân sự từ Mỹ. Ngăn chặn Mỹ là động lực lớn nhất đằng sau sự phát triển quân sự của Trung Quốc".
Thời thế đổi thay
Nhiều người trong giới quân sự Trung Quốc đã cố gắng giảm nhẹ ý tưởng về một "mối nguy Trung Quốc" khi khẳng định rằng, mục tiêu của Trung Quốc không phải là bành trướng. "Chúng tôi chỉ muốn một điều: Đừng gây hại cho các lợi ích của chúng tôi", vị tướng về hưu Hứa Quảng Ngọc nói. Nhưng điều cần chú ý ở đây là, các lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ chóng mặt, bao gồm nhiều tuyến đường hàng hải, các kênh cung cấp dầu khí và số lượng ngày càng lớn công dân Trung Quốc ở nước ngoài.
"Mỹ phải chấp nhận rằng, tình thế đang thay đổi. Khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, chúng tôi sẽ bắt đầu bày tỏ ý kiến, quan điểm về các nhu cầu hàng hải của mình, và về bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan tới các lãnh thổ xung quanh", ông Hứa quả quyết. Ông mô tả lập trường an ninh của Trung Quốc là "chủ động phòng thủ" và nói, Bắc Kinh không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài hay thế chân Mỹ trở thành một "cảnh sát toàn cầu".
Tuy nhiên, có nhiều tiếng nói hiếu chiến hơn, thậm chí trở nên lớn tiếng hơn trong cuộc tranh cãi về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu - tờ báo chính thống mang đậm chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, gần đây đăng tải bài xã luận thúc giục Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở nước ngoài.
"Nếu thế giới thực sự muốn Trung Quốc có trách nhiệm hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khắp thế giới, họ nên để Trung Quốc tham gia hợp tác quân sự quốc tế và hiểu rõ nhu cầu của Trung Quốc trong việc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài", bài xã luận viết. "Nó sẽ không chỉ làm cho thế giới của chúng ta an toàn hơn, mà còn có thể bảo vệ các tuyến đường thương mại khỏi hải tặc và khủng bố. Lo lắng về hành động quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ chỉ cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới".
Có lẽ với hy vọng xoa dịu những căng thẳng, gần đây Trung Quốc đã cử ban nhạc quân đội (tháp tùng một vị tướng chỉ huy) tới Mỹ và có buổi biểu diễn cùng với ban nhạc quân đội Mỹ. Về mặt tuyên bố công khai, cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo quân sự hai bên được cho là hợp tác, hữu nghị. Nhưng nhiều người e ngại rằng, tốc độ hiện đại hoá quân sự nhanh chóng của Trung Quốc lại thể hiện bằng thứ ngôn ngữ khác.
- Thuỵ Phương (Theo NPR)// VNN
0 nhận xét