Đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay (EPC) đã thuộc về các công ty Trung Quốc, trong đó phần lớn là các dự án năng lượng, luyện kim, hóa chất. Tình trạng này không chỉ gây ra sự mất cân đối ngày càng lớn trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn làm tăng sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nhà thầu Trung Quốc áp đảo
Tại một hội thảo diễn ra vào đầu tháng 6-2011, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, đến 90% các gói thầu xây lắp thực hiện theo phương thức EPC đã thuộc về các công ty Trung Quốc.
Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần một nửa trong tổng số 248.000 tỉ đồng giá trị các gói thầu xây lắp bằng vốn nhà nước và vay của nước ngoài trong năm 2010, do công ty Trung Quốc thực hiện.
Điều thực sự gây lo lắng ở đây không chỉ là sự mất cân đối ngày càng lớn trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn ở sự lệ thuộc ngày càng lớn vào các nhà cung cấp thiết bị của Trung Quốc.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 1, một dự án EPC do Trung Quốc tiến hành gặp nhiều trục trặc và chậm tiến độ. Ảnh: Quốc Dũng. |
Nhưng vì sao tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, thậm chí còn nặng nề hơn, khi nhà thầu Trung Quốc lại tiếp tục được giao những dự án nhiệt điện rất lớn khác, bất kể sự chậm trễ và những sự cố liên quan đến chất lượng thiết bị ở những nhà máy điện trước đó.
Những nguyên nhân thiếu thuyết phục
Những tham luận trình bày ở hội thảo do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức vừa qua và trong các diễn đàn bàn về vấn đề tương tự trước đây, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp đã phân tích và cho rằng nguyên nhân của sự thắng thế của các nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam là do họ chào giá quá thấp.
Trong khi đó, Luật Đấu thầu lại không cho phép chủ đầu tư đưa ra sự khống chế về xuất xứ thiết bị, công nghệ khi xét thầu, mà chỉ có thể đưa ra các điều kiện về hiệu quả, chất lượng công trình. Ngoài ra, nhiều dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay thương mại và ODA của Trung Quốc, nên chỉ nhà thầu của nước này mới được tham gia.
Tuy nhiên việc lý giải rằng các công ty Trung Quốc thắng thầu vì họ chào giá thấp là không thuyết phục. Với những dự án lớn về năng lượng, luyện kim... giá cả không thể xếp trên những yếu tố về chất lượng, tính ổn định trong vận hành và mức độ lệ thuộc vào một nhà cung cấp. Việc quyết định thực hiện một dự án không thể chỉ dựa vào mỗi một tiêu chí là chi phí đầu tư ban đầu mà hiệu quả vận hành mới là yếu tố quan trọng nhất.
Ngoài ra, giá cả của công ty Trung Quốc chào chưa hẳn đã rẻ, mà các dự án nhiệt điện than là ví dụ. Tập đoàn Khí Đông Phương được trúng thầu dự án nhiệt điện Duyên Hải 1 công suất 1.245 MW, do tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, với giá 1,4 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) nhận thầu dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ với giá 1,17 tỉ đô la Mỹ. Gần đây, PVN lại giao cho Lilama một dự án 1.200 MW nữa với giá 1,2 tỉ đô la Mỹ. Nhà máy này sử dụng toàn bộ thiết bị, công nghệ của Nhật Bản, Mỹ. Còn công ty Trung Quốc thì nhận được dự án Duyên Hải 3, cũng với công suất 1.200 MW nhưng giá thầu là 1,3 tỉ đô la Mỹ và lắp đặt thiết bị của Trung Quốc.
Luật Đấu thầu của Việt Nam tuy còn khiếm khuyết, nhưng đó cũng không thể là nguyên nhân giải thích cho sự thắng thế của các nhà thầu Trung Quốc.
Nhân công người Trung Quốc đi theo các dự án ODA và gói thầu EPC vào châu Phi (minh họa IE |
Nếu nói là tại luật, thì vì sao trong ba doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư lớn vào nhiệt điện, gồm PVN, EVN và tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), chỉ những dự án do EVN và TKV làm chủ đầu tư, nhà thầu Trung Quốc mới thắng thế, còn các dự án của PVN thì nhà thầu trong nước chi phối hết? Riêng với TKV, hầu hết các dự án lớn của tập đoàn này, gồm sáu nhà máy nhiệt điện và các dự án luyện kim như đồng Sin Quyền, bauxite ở Tây Nguyên đều do các công ty của Trung Quốc đảm nhận.
Liên quan đến nguồn vốn, lẽ đương nhiên nước nào cấp vốn cho Việt Nam thì doanh nghiệp nước đó được độc quyền đấu thầu. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi, vì sao các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Pháp... chủ yếu cung cấp ODA cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Việt Nam. Còn Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào các dự án công nghiệp, nhất là công nghiệp năng lượng và những ngành khai thác tài nguyên trong nước.
Rủi ro khó lường
Sau khi thắng thầu, các tổng thầu Trung Quốc mang sang Việt Nam từ những thiết bị lớn cho đến những con bù lon, ốc vít. Thậm chí, như ở dự án phân đạm Cà Mau, đến thiết bị làm vệ sinh và công nhân dọn dẹp vệ sinh cũng được mang từ Trung Quốc sang. |
Vấn đề các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh hầu hết các gói thầu xây lắp lớn đã được mổ xẻ nhiều trong ba năm qua. Điều khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất là khả năng bị phụ thuộc vào các nhà cung cấp vật tư, thiết bị thay thế của nước này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà máy nhiệt điện dùng thiết bị của Trung Quốc bị hư hỏng, nhưng không được cung cấp phụ tùng kịp thời để thay thế, nhất là trong thời điểm căng thẳng về cung - cầu điện?
Hơn nữa, chuyện hư hỏng đối với thiết bị Trung Quốc lại xảy ra khá thường xuyên. Mùa khô năm ngoái, Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính là do các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than bị hư hỏng và tiến độ xây dựng chậm.
Liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư với những thiết bị và công nghệ rẻ tiền nhập từ Trung Quốc hay không?
Ngoài ra, tình trạng các gói thầu xây lắp lớn rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc còn góp phần làm cho tình trạng nhập siêu thêm trầm trọng. Các nhà thầu cho biết, ở các công trình xây lắp do các công ty Nhật Bản, châu Âu... làm tổng thầu, các doanh nghiệp trong nước thường được giao đảm nhận những công việc phụ, với giá trị có thể lên đến 30% tổng giá trị hợp đồng.
Nhưng với tổng thầu Trung Quốc thì khác hẳn. Họ mang sang Việt Nam từ những thiết bị lớn cho đến những con bù lon, ốc vít. Thậm chí, ở dự án phân đạm Cà Mau, đến thiết bị làm vệ sinh và công nhân dọn dẹp vệ sinh họ cũng mang từ Trung Quốc sang.
Tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị phải rà soát và siết lại công tác quản lý đối với hoạt động đấu thầu. Theo đó, các gói thầu mà doanh nghiệp trong nước đảm nhận được trên 50% thì không đấu thầu quốc tế nữa, mà chỉ đấu thầu rộng rãi trong nước. Trong trường hợp thiết bị công nghệ trong nước không sản xuất được, thì chủ đầu tư có thể tách riêng để tổ chức đấu thầu quốc tế.
Đây là một quyết định kịp thời và nếu thực hiện nghiêm túc, nó sẽ mang lại nhiều hy vọng cho các nhà thầu trong nước và được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề nhập siêu với Trung Quốc.
Theo TBKTSG
0 nhận xét