Sự ra mắt của Uyên Linh với nhiều hứa hẹn, của Hà Linh sau một thời gian im ắng. Tất nhiên là còn những các lý do khác nữa, “căng thẳng” giữa Thanh Lam và Uyên Linh, “căng thẳng” giữa Uyên Linh và giới truyền thông trong thời gian vừa qua. Đêm diễn có thể cũng gợi ý được cho một vài dự đoán về sự tái hợp của Thanh Lam và Quốc Trung, cũng như về tiềm năng của Uyên Linh và Hà Linh trong thời gian tới.
Uyên Linh
Uyên Linh mở màn và cho thấy một sự nhạy cảm nhạc nhẹ hiếm thấy trong các ca sĩ của chúng ta lâu nay. Cô hát tự nhiên, bản năng và có một ưu điểm rất lớn là đặc biệt truyền cảm, hát như muốn chia sẻ với khán giả cảm xúc của mình. Dù chịu ảnh hưởng của phong cách nhạc Soul trong cách xử lý từng câu nhạc, từng lời ca, nhưng cô hát vẫn rõ ràng ra được tiếng Việt, điều không dễ, ngay cả với những ca sĩ có hạng. Tuy nhiên Uyên Linh cũng có một vài chỗ lạm dụng cách luyến láy màu sắc, bóp méo tiếng Việt khá tùy tiện, không làm đẹp thêm lời hát, cũng như không giúp cho việc truyền cảm, nếu như không nói là ngược lại.
Hai Linh hát đệm cho Thanh Lam?
Nhược điểm cơ bản của Uyên Linh là giọng bản năng mỏng, kỹ thuật thanh nhạc còn yếu, âm vực có giới hạn. Cô hát tốt ở âm vực trung, nhưng khi lên cao lộ rõ điểm yếu, âm thanh xấu, và tất cả sự thông minh nhạy cảm ngôn ngữ của cô, lẽ ra phải được dùng để giấu bớt những giới hạn của giọng, biến đi đâu hết. Uyên Linh có lẽ nên hạn chế hát cùng các “đàn chị” cho đến khi cô luyện một kỹ thuật dày dặn hơn, vì khi hòa giọng với Hà Linh hay Thanh Lam, sự khác biệt rõ ràng như ban ngày, điều đó không có lợi cho Uyên Linh.
Cái mà mọi người khen rằng Uyên Linh hát tiếng Anh hay thì e rằng ở đây lại là trường hợp ngược lại. Cô bỏ qua các phụ âm cuối khá nhiều, xử lý nguyên âm không đúng ngôn ngữ. Tất nhiên cũng không phải quá tệ, nếu so sánh với phong trào hát tiếng Anh của các ca sĩ của chúng ta hiện nay. Nhưng Uyên Linh hát Simply The Best như một bài karaoke trung bình. Hát theo mẫu mà còn kém vậy thì có lẽ cô cần phải cố gắng hơn nhiều, chứ chưa nói chuyện xử lý sáng tạo mới. Chúng tôi tin rằng Uyên Linh có được sự nhạy cảm ngôn ngữ cần thiết, nhưng có lẽ cô nên chú ý hơn đến các đặc điểm ngữ âm và đặc biệt nên “nghe” nhiều để “cảm” tiếng Anh nhiều hơn nữa.
Cô chiếm được cảm tình khán giả, ăn nói dễ thương và có vẻ thành thật, mặc dù không còn ít tuổi nhưng vẫn nhí nha nhí nhảnh. Chỉ thấy hơi lạ là cô và Hà Linh cùng xuất thân từ Học viện Ngoại giao nhưng đều nói trống không một cách hết sức tự nhiên, làm chúng tôi cũng thấy hơi buồn.
Hà Linh
Khác với Uyên Linh, có thể thấy ngay khi cất tiếng hát, Hà Linh không những có một giọng tốt bẩm sinh, mà có vẻ còn được học hành tử tế. Cô cũng có một nhạc cảm rất tốt, hơn nhiều so với các ca sĩ cùng lứa. Tuy nhiên, trên sân khấu, Hà Linh không có được sự thân thiện dễ mến của Uyên Linh, không có sự khiêm tốn nhún mình cần thiết, cô quá tự tin. Và kém xa Uyên Linh ở khả năng truyền cảm. Chúng tôi tin là Hà Linh thừa sức truyền cảm, nhưng cô hát như thể cho vui, không phải hát cho cô, cũng không phải hát cho khán giả, mà hát một cách bất cần, hát cho mọi người biết là cô thừa sức chinh phục những bài hát khó như thế này, các thể loại khó như thế này. Cô hát như để khoe giọng, khoe khả năng thanh nhạc, khoe thẩm mỹ âm nhạc của mình và do vậy làm cho những bài hát của cô trôi tuột, không đọng lại gì mấy ngoài những thủ thỉ thỏ non và chiếc váy rất “sexy”.
Thanh Lam - Quốc Trung: Họ sẽ tái hợp?
Và Lam
Thanh Lam xuất hiện đẹp rạng rỡ, thể hiện một sự kết hợp hoàn hảo của giọng hát và cảm xúc ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Thanh Lam hát song ca và tam ca với Uyên Linh và Hà Linh có chú ý nâng đỡ “đàn em”, mặc dù sự khác biệt là không thể tránh được. Chị hát hừng hực lửa, như muốn truyền cảm xúc và năng lượng của mình qua lời hát đến khán giả. Các ca khúc ngày nào của Mây trắng bay về được sống lại say đắm và đẹp đẽ. Chỉ tiếc cho Một thoáng Tây Hồ, chị hát sai lời, và lạm dụng những nhấn nhá một cách thái quá, thiếu mất cái tinh tế dân gian và sự trân trọng ngôn ngữ cần thiết, tiêu biểu cho những nhược điểm vốn có xưa nay của nữ hoàng nhạc nhẹ.
Hai Linh hát đệm cho Thanh Lam trong Cầm tay mùa Hè gợi đến hình ảnh Trần Thu Hà và Bằng Kiều ở Giảng Võ trong live show Cho em một ngày năm nào. Tiếng lục lạc trong tay Thanh Lam khi hát Lời tôi ru làm nhớ đến những đêm chị giới thiệu Mây trắng bay về ở phòng trà Tiếng Tơ Đồng gần chục năm trước. Người ta bảo Thanh Lam thay đổi, nhưng có lẽ trong chương trình này, chẳng thấy chị thay đổi gì nhiều. Thanh Lam có đằm thắm hơn, nhưng vẫn là Thanh Lam của ngày ấy. Chị có chín chắn mặn mà hơn, có trân trọng tiếng Việt hơn, nhưng vẫn phiêu theo cảm xúc, và có lẽ người ta thích chị cũng vì chị “thật” như thế. Thanh Lam hát với Quốc Trung trong Cho em một ngày, hát với Lê Minh Sơn trong Nắng lên, hát Trịnh Công Sơn với Quốc Trung hay với Lê Minh Sơn… vẫn cho thấy một Thanh Lam “thật” như vậy, không phải không có những hạn chế, nhưng vẫn hay và đáng nghe, đơn giản chỉ vì Thanh Lam là Thanh Lam, và Thanh Lam hát như Thanh Lam.
Khủng hoảng của Thanh Lam, nếu có, là "lỗi hệ thống", khủng hoảng của nhà sáng tác, nhà sản xuất, chứ chưa hẳn của ca sĩ. |
Tất nhiên với tiết lộ một album mới sắp ra với Quốc Trung mà Hạc vàng bay xa của Nguyễn Cường là bài thu âm đầu tiên, công chúng có quyền hy vọng. Nhưng cũng nên nói lại là chúng ta cũng không nên hy vọng quá, vì Quốc Trung từ xưa đến nay được biết đến nhiều nhất như một nhà sản xuất và hòa âm cho Mây trắng bay về của Thanh Lam và Khu vườn yên tĩnh của Hồng Nhung, cả hai cùng đồng sản xuất với Dương Thụ, và đều dựa trên phần lớn các sáng tác của Dương Thụ. Anh cần những nhạc sĩ sáng tác hỗ trợ. Và Hạc vàng bay xa của Nguyễn Cường có lẽ cũng chỉ là một bài được chứ chưa phải xuất sắc. Nhưng làm sao có thể cầu toàn quá, Thanh Lam chỉ cần ra một đĩa nhạc làm cẩn thận, không phải “hàng chợ”, là nên vui mừng rồi.
Khánh Hà
TT&VH
0 nhận xét