Hạ viện Mỹ hôm qua (24/6) đã bỏ phiếu chống một nghị quyết cho phép Tổng thống Barack Obama có quyền ra lệnh thực hiện hành động quân sự ở Libya. Các nghị sĩ đã bác bỏ nghị quyết này với số phiếu áp đảo 295/123.
Tuy nhiên, Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu chống lại nỗ lực của Đảng Cộng hòa nhằm cắt nguồn quỹ cho cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi.
Các nghị sĩ Mỹ gần đây đã liên tục bày tỏ sự không hài lòng trước việc Tổng thống Obama vi phạm Luật Quyền Chiến tranh. Luật này được đưa ra thời chiến tranh Việt Nam nhằm giới hạn quyền của Tổng thống trong việc phát động một cuộc chiến tranh. Theo Luật Quyền Chiến tranh, Tổng thống Mỹ cần phải nhận được sự cho phép của Quốc hội nếu muốn phát động một cuộc chiến tranh ở bên ngoài.
Các nghị sĩ Mỹ cho rằng, ông Obama đã đi ngược lại Luật Quyền Chiến tranh khi tự ý tham gia vào chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya mà chưa nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ lập luận trên, nói rằng ông Obama không cần phải có sự cho phép của Quốc hội trong chiến dịch ở Libya bởi Mỹ không phải đang tiến hành một cuộc chiến tranh ở đây mà chỉ đơn giản là đang giúp đỡ NATO.
Libya đã rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài dai dẳng khi các cuộc biểu tình chống Tổng thống Muammar Gaddafi bùng phát và leo thang thành bạo lực từ giữa tháng 2. Khoảng hơn một tháng sau đó, các cường quốc do Mỹ dẫn đầu đã phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya với lý do là để bảo vệ dân thường theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Mỹ chỉ dẫn đầu chiến dịch đánh Libya trong khoảng gần 2 tuần và sau đó đã chuyển quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO. Kể từ đó, Mỹ chỉ đóng vai trò hậu thuẫn.
Hiện có 14 trong số 28 các nước thành viên NATO đang tham gia vào chiến dịch đánh Libya. Mặc dù đã tiến hành hàng nghìn cuộc không kích ở Libya nhưng NATO vẫn chưa thể nào đánh gục quân của Tổng thống Muammar Gaddafi. Phe nổi dậy Libya tỏ ra thất vọng về năng lực của NATO và nhiều lần bày tỏ mong muốn Mỹ quay trở lại chỉ huy chiến dịch ở đây. Tuy nhiên, Washington đã kiên quyết từ chối bởi họ thừa hiểu sẽ không đủ sức khi đang còn bị mắc kẹt trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Kiệt Linh - (theo RIA, AP)// VnMedia
0 nhận xét