Cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng của Hy Lạp đang cuốn hút khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào vòng xoáy khủng hoảng đe dọa sự tồn tại của Liên hiệp châu Âu (EU). Để tìm lối thoát cho Eurozone, từ nhiều tháng nay, EU đã dồn sức giải cứu Hy Lạp
Đồng euro ra đời từ năm 1999, từng một thời là đồng tiền mạnh không kém USD, nay đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu không được giải cứu kịp thời. Trong bối cảnh hiểm nguy này, Hội nghị Thượng đỉnh EU của 27 nước thành viên họp trong hai ngày 23 và 24-6 tại Brussels (Bỉ) đã đặt trọng tâm vào vấn đề giải cứu Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công để khỏi lây lan sang toàn bộ Eurozone.
Các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất về nguyên tắc cấp khoản cứu trợ khẩn cấp 12 tỉ euro cho Hy Lạp trong gói cứu trợ 110 tỉ euro do EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua tháng 5-2010. Đồng thời EU cũng cam kết dành cho Hy Lạp gói cứu trợ “có điều kiện” thứ hai là 100 tỉ euro trong hai năm 2013 - 2014.
Giới quan sát nhận định rằng sự cứu giúp Hy Lạp của EU và IMF không phải là “biếu không” mà phải tuân theo quy luật “cây gậy và củ cà rốt”. Hy Lạp phải thực hiện 2 điều kiện để có được khoản 12 tỉ euro giải ngân trong tháng 7 này.
Đó là thông qua kế hoạch ngân sách khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm chi tiêu 28,4 tỉ euro trong 5 năm (đến năm 2015) và kế hoạch tư nhân hóa tài sản quốc gia thu về cho đất nước 50 tỉ euro. Bất chấp sự phản đối của người dân về chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, Chính phủ Hy Lạp cam kết thông qua 2 kế hoạch trên trước thời hạn chót là ngày 30-6. Phải chấp nhận điều kiện “cây gậy” thì Chính phủ Hy Lạp mới hy vọng vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ công khổng lồ 350 tỉ euro.
Mặc dầu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou lạc quan tuyên bố “kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh EU là dấu hiệu tích cực cho tương lai của Hy Lạp”, nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu chưa thực sự tin vào hiệu quả của biện pháp giải cứu Hy Lạp của EU. Chuyên gia Simon Tifford của Trung tâm Cải cách châu Âu cho rằng một khi các gói cứu trợ tài chính không giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng, khả năng một “con nợ” buộc phải rút khỏi liên minh tiền tệ là điều có thể xảy ra.
Tạp chí The Economist của Anh đưa ra 3 kịch bản đối với triển vọng đồng euro trong bối cảnh khủng hoảng nợ công ở Eurozone chưa giảm nhiệt. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất (50%) là Eurozone cuối cùng sẽ vượt qua khủng hoảng với điều kiện các nước mắc nợ phải chấp nhận cải cách mạnh mẽ nhằm giảm thâm hụt ngân sách và các nước khác mạnh hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính để miễn cưỡng kiểm soát khủng hoảng.
Kịch bản thứ hai (15%) là các nước thành viên Eurozone sẽ từ bỏ đồng euro do không thể vượt qua khủng hoảng nợ khi các nước yếu trong khối không đáp ứng được điều kiện của các gói cứu trợ, còn những nước tài chính ổn định hơn không còn kiên nhẫn trợ giúp đồng đội yếu. Kịch bản thứ ba (10%) là Eurozone sẽ trải qua sự hồi sinh khi tất cả các nước thành viên cùng nỗ lực kiểm soát thành công các khoản nợ công của mình.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé cảnh báo: “Các nước EU có một quyết tâm rất mạnh phải cứu được những gì chúng tôi đã cùng nhau đạt được trong 50 năm qua. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Nếu Eurozone biến mất thì bản thân EU sẽ vô cùng lâm nguy”. Lời cảnh báo này đã được Hội nghị Thượng đỉnh EU nói trên nghiêm túc lắng nghe.
Đỗ Chuyên
NLĐ
0 nhận xét