Thịt sẽ tiếp tục tăng 30%
Báo cáo thường niên về triển vọng nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 của OECD và FAO đánh giá thu hoạch trong những tháng tới sẽ giúp giảm giá các mặt hàng lương thực vốn đang ở mức rất cao kể từ đầu năm. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra trong một thập kỷ tới, giá các loại ngũ cốc sẽ tăng khoảng 20% và các loại thịt sẽ tăng tới 30% so với giai đoạn từ năm 2001 - 2010.
Giá lương thực cao sẽ dẫn tới việc tăng chỉ số giá tiêu dùng ở các nước. Điều này làm tăng mối lo ngại về ổn định kinh tế và đảm bảo lương thực ở một số quốc gia đang phát triển, nơi có nhiều người nghèo và còn thiếu thức ăn.
"Trong khi việc giá lương thực tăng lên là một tin tốt đối với người nông dân, sự tác động của nó tại các quốc gia đang phát triển, nơi những người nghèo phải dành phần lớn thu nhập của mình để mua thức ăn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng" , Tổng thư ký OECD - Angel Gurría nói. "Đó là lý do chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước cần tăng cường thông tin và tính minh bạch ở cả thị trường hàng hóa và tài chính, khuyến khích đầu tư để tăng sản lượng, loại bỏ những kiểu sản xuất và chính sách thương mại không phù hợp, đồng thời hỗ trợ những vùng dễ bị ảnh hưởng để kiểm soát rủi ro tốt hơn."
Biến động giá lương thực giai đoạn 2011-2020 so với giai đoạn 2001-2010 (Nguồn: OECD và FAO) |
Cần tăng cường minh bạch trong sản xuất nông nghiệp
Một bản dự thảo của FAO và OECD đã được gửi tới G20, đưa ra những chính sách nhằm phán ứng lại những biến động về giá trên thị trường thực phẩm và nông nghiệp, giúp quản lý và giảm thiểu những biến động này. Bản dự thảo nhận định trước hết nhóm G20 cần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại các nước đang phát triển, giảm hoặc loại bỏ những chính sách thương mại không hợp lý, đồng thời thiết lập một cơ chế mới để cải thiện thông tin và tính minh bạch trong sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng, chứng khoán và thương mại.
G20 cần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại các nước đang phát triển, giảm hoặc loại bỏ những chính sách thương mại không hợp lý. |
Bản báo cáo thường niên cũng nhận định, sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới sẽ tăng chậm hơn so với thập kỷ trước, cụ thể, sản lượng sẽ chỉ tăng 1,7%/năm so với con số 2,6%/năm ở thập kỷ trước. Dù tăng trưởng chậm lại, dự kiến sản lượng bình quân đầu người vẫn sẽ tăng 0,7% năm
Lượng tiêu thụ thực phẩm bình quân theo đầu người sẽ tăng nhiều nhất ở Đông Âu, châu Á và châu Mỹ La Tinh, nơi thu nhập đang tăng lên còn dân số thì đang phát triển chậm lại. Thịt, các sản phẩm sữa, dầu thực vật và đường sẽ là các mặt hàng có nhu cầu tăng cao nhất.
Sản lượng nông nghiệp trong lĩnh vực thủy hải sản dự kiến sẽ tăng 1,3%/năm cho tới năm 2020. Tốc độ tăng trưởng này cũng thấp hơn so với thập kỷ trước, nguyên nhân chính là do sự giảm thiểu của nguồn cá tự nhiên mức tăng trưởng thấp của ngành nuôi trồng thủy sản, vốn phát triển rất mạnh trong giai đoạn 2001 - 2010.
Đến năm 2015, ngành nuôi trồng thủy hải sản sẽ vượt qua ngành đánh bắt thủy sản và trở thành nguồn cung cấp thủy sản chính cho người tiêu dùng. Dự kiến tới năm 2020, nó sẽ chiếm khoảng 45% tổng sản lượng thủy sản.\
Quốc Dũng (VEF)
0 nhận xét