Người Iraq đang đối mặt với một tương lai bất ổn ở trước mắt nên họ tìm cách tự vệ bằng việc tự vũ trang cho bản thân. “Những khẩu súng này được mua để bảo vệ tôi và gia đình. Tôi sợ rằng chuyện sẽ nhanh chóng tệ đi như hồi năm 2005 và 2006. Chúng tôi không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra hôm nay hay ngày mai” - al-Sahil nói.
Nhiều mối lo khi đi mua súng
Vũ khí là chuyện thường nhật trong khung cảnh của Iraq. Gần như mọi ngôi nhà đều có một khẩu súng, thường là loại AK-47. Tại nhiều ngôi nhà, cư dân và giới vệ sĩ thường phải bỏ súng lại tại điểm kiểm soát trước khi đi vào bên trong. Các nhân vật chính trị quan trọng thường được các vệ sĩ mang súng ngắn và súng trường bảo vệ cẩn mật.
Mua bán súng trái phép từng là hiện tượng diễn ra công khai ở Iraq cho tới tận năm ngoái
Nhiều năm sau khi Mỹ tấn công Iraq hồi năm 2003, chính quyền được thành lập sau đó đã tiếp tục triển khai chính sách cho phép mỗi hộ gia đình được sở hữu một khẩu súng. Các đơn vị an ninh Iraq thường kiểm tra mỗi ngôi nhà và nếu thấy có một khẩu súng thì không sao, nhưng nếu nhiều hơn, số vũ khí dôi ra sẽ bị tịch thu.
Tuy nhiên phát ngôn viên quân đội Iraq, tướng Qassim al-Moussawi mới đây cho biết, chính quyền đã từ bỏ chính sách này và hiện đã bắt đầu việc giải giáp vũ khí tại các thành phố ở Iraq. Song lời nói của ông vẫn không ngăn cản người dân đua nhau tích trữ súng đạn.
Một quan chức cao cấp giấu tên trong cơ quan tình báo Iraq nói với hãng tin AP rằng mấy tháng trở lại đây, việc buôn bán vũ khí trái phép đã tăng lên chóng mặt, đặc biệt là với súng trường AK-47 và súng ngắn. Súng AK-47 là vũ khí đã khá cổ lỗ, được thiết kế, chế tạo ở Liên Xô trong những năm 40 thế kỷ trước. Nhưng vì sự bền bỉ, chi phí rẻ và sự dễ sử dụng nên nó rất được ưa chuộng ở Iraq.
Một nguồn tin tình báo khác cho AP biết rằng hồi tháng 4 năm nay, người ta đã thấy việc mua sắm vũ khí tăng thêm 15% và riêng súng AK tăng tới 20%. Nguồn tin này nói rằng nhà chức trách đã ước lượng tỉ lệ dựa vào số vũ khí thu được qua những đợt kiểm tra an ninh và nhiều tính toán khác.
Người dân mua tích trữ súng đạn vì nhiều lý do. Đó có thể là những cá nhân muốn tìm cách bảo vệ gia đình. Nhưng đó còn là các nhóm dân quân chưa rõ tương lai trước mắt sẽ ra sao. Ngoài ra, người Hồi giáo Sunnis cũng e ngại sự trở lại của các chiến binh Shiite, cũng như sự trỗi dậy của giáo sĩ chống Mỹ Muqtada al-Sadr. Al-Sadr đã đe dọa sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng đạo quân Mahdi của ông ta nếu lính Mỹ ở lại Iraq quá ngày 31/12 năm nay. Quân đội Mahdi bị cáo buộc là thủ phạm gây ra một số vụ giết chóc tàn bạo trong thời kỳ bạo lực lan tràn ở Iraq và viễn cảnh nó trở lại có thể khiến những người can đảm nhất cũng phải run sợ.
Bản thân người Shiite lại lo lắng trước sự trở lại của các nhân vật trung thành với Đảng Baath cầm quyền trước đây dưới thời ông Saddam Hussein. Những người này đã lẩn trốn qua Yemen và Syria khi Mỹ tấn công và sẽ trở lại khi kẻ thù của họ rút đi. Trong bối cảnh cả hai nước trên đang dần trượt vào hỗn loạn, viễn cảnh họ trở lại càng rõ hơn bao giờ hết.
Một tay buôn súng lậu ở Bangdad đang giới thiệu
với phóng viên AP về kho vũ khí nhỏ của anh ta
với phóng viên AP về kho vũ khí nhỏ của anh ta
Hàng nóng - món đồ chơi dễ kiếm
Trong bối cảnh đó, chỉ có giới buôn lậu vũ khí là hưởng lợi lớn. Abu Ali, một tay buôn lậu vũ khí lớn ở Baghdad cho AP biết rằng anh ta đang bán cả vũ khí cũ lẫn mới. Ngoài AK và các loại súng của Nga, Ali còn có cả những khẩu Glock mới cáu cạnh vốn được Mỹ viện trợ cho quân đội và cảnh sát Iraq, nhưng chúng lại nhanh chóng lọt ra chợ đen.
Hồi đầu năm 2003, một khẩu AK ở phía Bắc Iraq có giá từ 75 - 150 USD, tùy theo điều kiện, nguồn gốc và kiểu loại súng. Sau khi cuộc tấn công của quân Mỹ nổ ra, do binh lính Iraq đào ngũ nhiều nên súng đạn có giá rẻ như cho. Nhưng từ năm 2006 trở lại đây, cùng khẩu súng AK có giá từ 210 - 650 USD. Tại một số nơi khác ở Iraq, giá có thể lên tới 800 USD.
Giá cả dao động không chỉ phụ thuộc vào tình trạng vũ khí mà còn từ việc nó do nước nào sản xuất. Một khẩu súng AK do các nước thuộc Liên Xô cũ sản xuất bao giờ cũng có giá cao hơn súng Trung Quốc, Triều Tiên hay do Iraq sản xuất. Súng báng gập lại càng đắt hơn nữa. Những khẩu AK giống loại trùm khủng bố Osama Bin Laden chụp ảnh cùng có giá tới 2.000 USD một khẩu. Tương tự, súng ngắn dùng đạn 9mm của phương Tây sản xuất có giá rất cao, từ 1.100 - 1.800 USD/khẩu. Súng bắn tỉa có giá từ 1.100 - 2.000 USD một khẩu.
Ali cho biết do sự truy quét gắt gao của nhà chức trách, hoạt động buôn bán vũ khí không còn công khai như hồi năm 2003, khi súng đạn, thậm chí pháo cối, được bày khắp các khu chợ ở Iraq. Vũ khí giờ được bán thông qua các thỏa thuận bí mật. Ali cho biết anh thường phải tổ chức các chuyến đi gom “hàng nóng” trên khắp đất nước và sau đó chuyển hàng tới tay người mua.
Nhưng dù hoạt động mua bán súng đã chuyển vào thế giới ngầm, những người như al-Sahil nói rằng họ đều biết rõ phải tới chỗ nào để mua sắm vũ khí phòng thân. “Hoàn toàn không khó để có súng và đạn” - anh thổ lộ - “Mọi tay buôn súng mà anh quen đều sẵn sàng giới thiệu một người bán hàng khác, nếu họ không có những món đồ chơi mà anh cần”.
Gia Bảo
Theo TT&VH
0 nhận xét