LTS: Tác giả cuốn sách là những nhà báo và chuyên gia tên tuổi trong giới truyền thông Mỹ. Bà Jane T. Harrigan là giáo sư khoa báo chí ở Đại học New Hampshire kiêm cố vấn cho nhiều ấn phẩm đa dạng. Bà Jane đã có 23 năm giảng dạy nghiệp vụ biên tập. Còn Karen Brown Dunlap là giám đốc Viện Báo chí Poynter ở Florida và đã hai lần tham gia ban giám khảo giải thưởng báo chí Pulitzer.
"Con mắt biên tập"là cuốn sách nghiệp vụ báo chí đầu tiên trong tủ sách "Nghề báo" do công ty Sài Gòn truyền thông thực hiện. Nhà báo Trần Trọng Thức, người có nhiều đóng góp với các tờ Tin Sáng, Tuổi Trẻ, Lao Động, Thời báo Kinh tế Sài Gòn... và hiện nay là tờ Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã viết lời giới thiệu cuốn sách. Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới quí vị độc giả:
Bài báo đến với bạn đọc là một quá trình không đơn giản bởi phải qua rất nhiều công đoạn. Tác giả những bài viết có chất lượng cao thường được độc giả yêu mến và cảm phục, thế nhưng người làm cho bài báo ấy hoàn chỉnh hơn, chính xác hơn và hấp dẫn hơn lại không được mấy ai biết đến. Đó là các biên tập viên, thường được ví von là "những nhà báo thầm lặng".
L.R.Blanchard thuộc hệ thống báo chí Gannett nổi tiếng trên thế giới, khi nói về tầm quan trọng của biên tập viên đã cho rằng, một Ban Biên Tập thật giỏi với những biên tập viên trình độ nghiệp vụ trung bình cũng chỉ có thể cho ra đời một tờ báo xoàng xĩnh. Một Ban Biên Tập tầm thường mà có những người biên tập đầy năng lực thì có thể đưa ra công chúng một tờ báo hạng khá. Một Ban Biên Tập bản lĩnh được hậu thuẫn bởi những người biên tập giỏi thì bảo đảm xã hội có được một tờ báo thật hay. Ông nói thêm: "Dù người viết nổi tiếng đến thế nào đi nữa, bài của họ chỉ có lợi hơn nếu được người khác đọc và biên tập".
Vai trò của người biên tập ngày càng quan trọng cùng với quá trình phát triển của truyền thông nói chung và báo chí nói riêng. Đã từ lâu, nhiệm vụ của biên tập viên chủ yếu là sửa sai, gạn lọc và trau chuốt câu cú làm cho bài viết giản dị, dễ hiểu. Để làm công việc vừa nói một cách hoàn mỹ, người biên tập cần tra cứu, đối chiếu tài liệu và hội ý với người viết. Bài viết sau khi được sửa sẽ trở nên trong sáng, mạch lạc và ít sai sót hơn. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ, anh ta còn phải sống trong dòng thời sự chủ lưu, có trí phán đoán, sự uyên bác trong nhiều lĩnh vực, óc biện luận và phản biện, trí tưởng tượng, đức tính thận trọng và khiêm tốn, đồng thời cũng phải biết hoài nghi.
Với ban biên tập, họ là một bộ phận tham mưu đắc lực về nội dung tờ báo. Với phóng viên họ là người bạn đồng hành cùng làm việc, có khi tham gia từ bước đầu tư duy đề tài, trao đổi thông tin lẫn giúp hoàn chỉnh bài viết.
Khái niệm huấn luyện viên viết báo (Writing-coach) được nói đến trong cuốn sách nghiệp vụ báo chí mà bạn đọc đang cầm trên tay có thể cho chúng ta hình dung biên tập viên làm việc như một huấn luyện viên trong thể thao. Họ không dạy dỗ mà cùng làm việc và chia sẻ thông tin với phóng viên, biết phát huy thế mạnh của từng người trong đội ngũ và tôn trọng phong cách của các cây viết.
Sửa bài nhưng không được sửa ý, đó là nguyên tắc mà người biên tập nào cũng thuộc nằm lòng. Chính sự tôn trọng ý tưởng của người viết khiến báo chí phản ánh được những góc nhìn khác nhau về một vấn đề được xã hội quan tâm, mới không bị rập khuôn như cách hiểu máy móc báo chí là một công cụ.
Với cộng tác viên, biên tập viên làm vai trò trung gian giữa người làm báo và người viết báo. Vai trò ấy khiến việc sửa bài cho người bên ngoài đôi khi khó khăn và phức tạp hơn. Đã có không ít các bậc học giả, các chuyên viên mà tên tuổi đã trở thành "thương hiệu" khi thấy bài viết của mình bị sửa đôi chút đã vội phê phán tòa soạn một cách nặng nề rằng: đẻ đứa con ra không ai muốn con mình bị cắt chân, cắt tay. Thật ra người biên tập không độc ác như vậy, anh ta chỉ cắt những mẩu thịt thừa và vài dị tật của cơ thể ấy mà thôi.
Thế nhưng điều này không phải lúc nào cũng được các tác giả đồng tình. Chẳng hạn không ít cộng tác viên là chuyên viên lỗi lạc, nội dung các bài viết của họ nhiều khi được chuyển tải bằng những ngôn ngữ có tính bác học, phù hợp với phong cách nghiên cứu. Nhưng khổ nỗi, tờ báo lại có yêu cầu là làm sao để hầu hết độc giả của mình nắm bắt được những kiến thức uyên thâm ấy bằng một thứ ngôn ngữ đời thường dễ hiểu, đó là ngôn ngữ của báo chí. Cho nên tìm được một chuyên viên, một học giả, một nhà văn viết báo giỏi là điều rất quý đối với một tờ báo. Nếu không được như vậy, thì công việc của người biên tập sẽ rất nặng nề để tranh thủ được sự vừa lòng cả hai phía người viết và người đọc.
Thực tế cho thấy để bài báo hoàn chỉnh hơn thì công việc biên tập nên khởi đầu từ chính tác giả. Người viết, nếu được trau dồi kỹ năng sẽ biết những nguyên tắc căn bản về sửa bài để tránh bớt những sơ sót, cũng như để hoàn thiện cách sử dụng từ ngữ và lối hành văn. Bài viết của những nhà báo thận trọng sau khi qua tay người biên tập giỏi có khả năng sẽ tăng thêm hiệu ứng, tờ báo tạo thêm được uy tín với độc giả.
Báo chí là một sản phẩm của xã hội. Định chế xã hội dù có khác nhau nhưng đạo đức nghề nghiệp vẫn cần được chuẩn hóa trên cơ sở tôn trọng sự thật, tính trung thực và khách quan, vì sự tiến bộ mọi mặt của con người và sự phát triển của cộng đồng. Làm thế nào để góp phần làm cho xã hội ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay, phải chăng suy nghĩ đó đã khiến ngày càng có nhiều người thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau tham gia vào đời sống báo chí.
Trong một không gian viết báo ngày càng được mở rộng như vậy thì "Con mắt biên tập" (The Editorial Eye) của hai tác giả Jane T. Harrigan và Karen Brow Dunlap được Sài Gòn Media và báo Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu với người đọc vào thời điểm này rõ ràng đã đáp ứng nhu cầu của những người yêu nghề báo. Có thể xem đây là một cẩm nang nghiệp vụ đúng nghĩa với những chỉ dẫn chi tiết dành cho cả người viết lẫn người làm báo, không chỉ bổ ích cho phóng viên mới vào nghề tránh được những vấp ngã mà còn giúp những ai muốn đi xa hơn trong nghề viết hệ thống lại kỹ năng cơ bản.
Nội dung cuốn sách này còn bổ sung cho những khiếm khuyết trong giáo trình báo chí ở các trường đại học hiện nay, nơi mà những nhà báo tương lai được truyền đạt kiến thức đại cương và lý thuyết nhiều hơn các kỹ năng nghiệp vụ của báo chí thế giới đang phát triển không ngừng.
Không quá đáng khi nói rằng, "Con mắt biên tập" là một đóng góp đáng kể trong việc hoàn chỉnh phong cách viết báo hiện đại mà chúng ta đang hướng đến./.
Tuần Việt Nam
0 nhận xét