Chính phủ cũng đã chính thức ghi nhận tình trạng lãi suất huy động VND vượt trần. |
Điểm đáng chú ý là trong khoảng thời gian đó, huy động vốn bằng VND tăng 2,32% và so với cuối năm 2010 chỉ tăng1,42%; trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ sụt giảm mạnh 3,62% so với cuối tháng trước và tính chung tăng 8,94% so với cuối năm 2010.
Huy động vốn bằng ngoại tệ giảm mạnh như vậy là không bất ngờ, sau chính sách áp trần và siết trần lãi suất huy động USD đối với tiền gửi dân cư. Mức giảm 3,62% đó một phần phản ánh mức lãi suất tối đa 2%/năm đối với USD hiện không hấp dẫn người gửi tiền, cũng như phản ánh xu hướng chuyển đổi vốn từ USD sang VND với chênh lệch lãi suất rất lớn.
Trong khi đó, tín dụng bằng ngoại tệ tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Tính đến 20/6/2011, tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng trưởng 2,43% so với tháng trước và tăng tới 23,47% so với cuối năm 2010.
Ngược lại, tín dụng bằng VND lại đảo chiều khi giảm 0,43% so với tháng trước, và so với cuối năm 2010 chỉ tăng 2,76%. Xu hướng “chuộng” vay vốn bằng ngoại tệ là một lý do khiến tín dụng VND giảm, nhưng chủ yếu hơn vẫn là lãi suất vay VND thời gian qua và hiện nay quá cao; bên cạnh đó, giới hạn tăng trưởng tín dụng chung cả năm 20% khiến nhiều nhà băng thận trọng hơn.
Tính chung từ đầu năm đến 20/6/2011, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 7,13%.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 20/6/2011 ước tăng 1,25% so với tháng trước. Đây là một tốc độ vượt trội so với 5 tháng trước đó. Có thể diễn biến này liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ, cũng như thực hiện tái cấp vốn cho một số trường hợp.
Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến thời điểm trên, M2 mới chỉ tăng có 2,45%, trong khi chỉ tiêu năm nay là từ 15% - 16%.
Đến thời điểm trên, tiền mặt lưu thông ngoại hệ thống ngân hàng ước tăng 2,59% so với tháng trước, nhưng lại giảm 0,18% so với cuối năm 2010.
Một điểm nữa đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ là thực tế lãi suất huy động VND vượt trần được chính thức ghi nhận.
Báo cáo cho biết: lãi suất huy động VND bình quân hiện ở mức 15,5%/năm, vượt xa mức trần quy định 14%/năm. Nguyên do là các tổ chức tín dụng cạnh tranh huy động thông qua thỏa thuận trả thêm chi phí cho người gửi tiền - điều mà Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng vừa thừa nhận
Theo VnEconomy
0 nhận xét