Một gia đình gốc Việt ở Mỹ trồng giàn bầu
để đỡ nhớ quê hương. Ảnh: Xuân Nguyễn
Một mảnh vườn cũng là một quyển sách: có người dốc tâm lực để thể hiện một điều gì đó trên một mảnh đất, những người cùng một ngôn ngữ có thể đọc ở mảnh vườn đó những chi tiết, tình huống, diễn biến, bố cục, sản vật… để hiểu tâm tư, cách sống, cảnh đời, hy vọng hay thông điệp của người làm vườn...
Bắt đầu chương “ở Bellingham” của đời mình, tôi định tập trung vô một đề tài: làm vườn. Một mảnh vườn cũng là một quyển sách: có người dốc tâm lực để thể hiện một điều gì đó trên một mảnh đất, những người cùng một ngôn ngữ có thể đọc ở mảnh vườn đó những chi tiết, tình huống, diễn biến, bố cục, sản vật… để hiểu tâm tư, cách sống, cảnh đời, hy vọng hay thông điệp của người làm vườn, để thấy thích thú hay ngao ngán, buồn vui ghét giận, hay ngậm ngùi trông người lại ngẫm đến ta. Để hiểu ra, cảm thông, hay nhớ lại một điều gì đó.
Hồi cơn bão Katrina tàn phá vùng New Orleans, tiểu bang Louisiana, tôi thường mỗi ngày google mấy chữ “Người Việt, New Orleans, Katrina” để tìm đọc trên mạng tin tức liên quan đến cộng đồng người Việt ở vùng đang bị thiên tai. Gặp một bài, tựa là “Mảnh đất” của Đỗ Quang Minh. Tác giả kể chuyện cha mẹ già được bảo lãnh qua Mỹ đoàn tụ với con, sau nỗi vui sum họp ban đầu là nỗi buồn chán khắc khoải của hai cụ với cuộc sống lạc lỏng cô lập trong căn phòng kín ở chung cư. Bất chấp người con tìm mọi cách giải trí cho cha mẹ, đưa hai cụ đi đó đây thăm viếng những kỳ quan thế giới, hai cụ vẫn không vui: “Tuy là đẹp thật nhưng đi đâu thì cũng vậy thôi, có gì lạ đâu con?”. Cuối cùng người con phát hiện ra mơ ước thầm kín của hai cụ: Một mảnh đất.
“Thế là ngày nào cũng như ngày nào, tôi làm hai jobs cố dành dụm đủ tiền down một căn nhà, dĩ nhiên phải có mảnh đất. (…) Căn nhà mới mua nầy tuy be bé, chỉ đủ ba phòng tương đối cho ba người nhưng được cái có sân trước vườn sau.” Cuộc sống tha hương của gia đình nhỏ ấy từ đó hoàn toàn thay đổi. “Dường như suốt ngày từ sáng sớm lúc mặt trời mọc cho đến sẩm tối mặt trời lặn, lúc nào hai cụ cũng sống ở ngoài vườn. (…) Cứ chiều nào, từ sở làm trở về nhà, tôi cũng thấy một khung cảnh êm đềm tương tự: Bố tôi ngồi thong dong thưởng thức trà dưới gốc cây hoa mộc lan (…) Những ngày cuối tuần, tôi cuốc nhiều luống đất nho nhỏ cho Mẹ. Mỗi líp là một loại rau nào húng cây, húng lủi, tía tô, rau quế, bẹ xanh, tần ô, bạc hà, rau dền, rau muống...không thiếu thứ gì. Tôi cũng làm giàn cho Mẹ trồng bầu, trồng bí, thả mướp...ở hàng rào giáp ranh với nhà bên cạnh. (…) Suốt mùa hè, Mẹ tôi chẳng phải tốn tiền mua rau, muốn ăn loại nào cứ ra vườn tha hồ mà cắt, mà nhổ.”
Tôi từng sống ở New Orleans non một tháng, có một số bạn bè ở đó, vẫn còn giữ nhiều hình ảnh kỷ niệm. Xứ đó mùa đông không lạnh lắm, tre trúc mọc thành lũy xanh xanh, mùa hè đủ nóng để mướp trổ bông vàng. Chợ quê có bán từ bó rau muống nước đến mấy trái ớt hiểm, củ riềng, lá mơ. Xóm chài của người Việt có nhiều nhà mới xây theo kiến trúc phương tây, vườn trước cũng trồng những thứ cây kiểng phổ thông ở xứ đó, như mộc lan, đổ quyên, trà mi. Nhưng bước vào vườn sau là gặp ngay khung cảnh quê nhà: bụi chuối sau hè, đám xả góc vườn, cây ớt hiểm trái xanh trái đỏ chỉa lên trời, rau om, lá dứa mọc viền bờ ao, dây khổ qua dây mướp quấn quíu trên giàn. Nên những miêu tả của Đỗ Quang Minh làm trào lên trong tôi một niềm vui như gặp lại bạn cũ, hay về lại quê nhà. Nhưng một giấc mơ đẹp sao mong manh. Đỗ Quang Minh viết:
“Tôi dự định sẽ trồng tặng Mẹ một cây hồng giòn, sẽ trồng biếu Bố những cây mai vàng (Forsithia) bao kín hàng rào phía sau vườn. Rồi căn nhà của chúng tôi sẽ hực hỡ hoa vàng mỗi độ xuân về. Nhưng, cái mùa xuân tưởng tượng đó, tiếc thay, chẳng bao giờ đến khi biến cố khủng khiếp của cơn bão Katrina ập đến, nước tràn vào thành phố do bờ đê ngăn nước bị vỡ khiến New Orleans bị chìm trong biển nước.” Người con “đưa Bố Mẹ đi lánh nạn mà thương hai cụ muốn đứt ruột, Mẹ tôi khóc sướt mướt nhìn lại mảnh đất thân yêu lần cuối, Bố tôi cứ trù trừ bên gốc cây hoa mộc lan không muốn rời... Gia đình tôi là một trong hơn hai trăm người gốc Việt đến tạm trú ở tu viện Công giáo St. Catherine, Houston Texas, bang sát cạnh Louisiana.” Mặc dù tác giả “như nằm mơ! làm sao tôi có thể tưởng nổi chuyện khó tin nhưng có thật lại có thể xảy ra trên cái xứ Mỹ được ví như hùng mạnh, văn minh vào bậc nhứt thế giới?”
Thế giới bây giờ, kể cả những nước “văn minh, hùng mạnh” cũng không thể bảo đảm cho một chốn nào thanh bình an lạc dài lâu. Một ngày sau tai họa động đất và sóng thần ở nước Nhật, dư chấn lan tới bờ bên này Thái Bình Dương, bầu trời ảm đạm, mưa lây lất, sóng bồn chồn. Bellingham cũng nằm trên vành đai núi lửa và động đất. Mười năm trước đã xảy ra một trận động đất lớn ở Seattle, và người ta dự báo sẽ xảy ra tiếp một trận còn mạnh hơn nữa, nhưng không biết chắc khi nào. Người ta đành cứ sống, chừng nào mảnh đất dưới chân sụp mất hẳng hay.
Khu vườn nhỏ của tôi ở Bellingham không cần đến thiên tai bất thường để cảnh báo tính phù du của cuộc sống. Những ngày lạnh tới âm 10 độ C của mùa đông, những cơn bão tuyết, những trận mưa dầm suốt tháng là chuyện bình thường, năm nào cũng vậy. Năm kia, đợt lạnh đến sớm, mới đầu tháng 10, cúc còn nở tím ngoài vườn, cây bạch quả lá mới đổi màu vàng, thậm chí cây bươm bướm vẫn còn lá xanh. Bất ngờ trận gió bắc cực thổi xuống, tất cả chết cóng. Ngay cả giữa mùa xuân, những trận mưa liên miên (kết hợp với tuyết trên núi tan) gây ngập lụt, lở đất. Mảnh vườn rau “nào húng cây, húng lủi, tía tô, rau quế, bẹ xanh, tần ô, bạc hà, rau dền, rau muống...không thiếu thứ gì” của bà mẹ anh Đỗ Quang Minh đối với tôi vẫn chỉ là một giấc mơ sau mấy năm trời cố gắng tuyệt vọng cày xới mảnh đất nhỏ ở góc trời này.
Hàng xóm, và ông chồng tôi, thấy năm nào tôi cũng canh trời vừa ấm lên là cố trồng giậu mồng tơi với mấy cây bông vạn thọ. Mồng tơi ươm hột trong nhà có cửa kính, lò sưởi, đèn tỏa nhiệt, nảy mầm ra hai ba lá non mới canh ngày ấm áp đem trồng ra vườn. May mắn thì cây mọc thêm năm bảy lá, không đủ sức vươn tới thanh gỗ thấp nhứt của hàng rào để mà đánh đu lên, nói chi thành giậu thành giàn? Nhưng vạn thọ thì nếu mua loại vạn thọ Mỹ bán sẵn cây con ở các vườn cây giống thì hoa có thể nở từ cuối hè đến sang thu. Chỉ có điều, ông chồng nhứt định không cho trồng cây vạn thọ trước ngõ, vì mấy cái bông vàng cam tròn vo ấy phá hỏng cảnh trí khu vườn Mỹ của ổng.
Không phải ông không chấp nhận tình yêu của tôi đối với một giậu mồng tơi và vài cây bông vạn thọ. Ông chỉ không thể hiểu nổi tại sao tôi lập đi lập lại một nỗ lực vô vọng, chống lại thiên nhiên (vụ trồng mồng tơi) và con người (là ổng). Đã bảo trồng ở đâu cũng được, miễn đừng trồng trước ngõ, mà rồi tôi cứ ngay trước ngõ trồng một bụi hoa vạn thọ. Ông nhổ bỏ, tôi trồng lại. Ông nổi điên là tại sao tôi không có mắt thẩm mỹ, không thấy cái cây bông đó chỏi lỏi như thế nào trong bối cảnh vườn Ăng lê ở đây. Làm vườn ở đâu thì nên thích nghi với môi trường ở đó.
Nhưng đối với người Việt di dân, làm vườn ở xứ người thực chất là một kháng cự văn hóa. Không phải ư?
Hồi cơn bão Katrina tàn phá vùng New Orleans, tiểu bang Louisiana, tôi thường mỗi ngày google mấy chữ “Người Việt, New Orleans, Katrina” để tìm đọc trên mạng tin tức liên quan đến cộng đồng người Việt ở vùng đang bị thiên tai. Gặp một bài, tựa là “Mảnh đất” của Đỗ Quang Minh. Tác giả kể chuyện cha mẹ già được bảo lãnh qua Mỹ đoàn tụ với con, sau nỗi vui sum họp ban đầu là nỗi buồn chán khắc khoải của hai cụ với cuộc sống lạc lỏng cô lập trong căn phòng kín ở chung cư. Bất chấp người con tìm mọi cách giải trí cho cha mẹ, đưa hai cụ đi đó đây thăm viếng những kỳ quan thế giới, hai cụ vẫn không vui: “Tuy là đẹp thật nhưng đi đâu thì cũng vậy thôi, có gì lạ đâu con?”. Cuối cùng người con phát hiện ra mơ ước thầm kín của hai cụ: Một mảnh đất.
“Thế là ngày nào cũng như ngày nào, tôi làm hai jobs cố dành dụm đủ tiền down một căn nhà, dĩ nhiên phải có mảnh đất. (…) Căn nhà mới mua nầy tuy be bé, chỉ đủ ba phòng tương đối cho ba người nhưng được cái có sân trước vườn sau.” Cuộc sống tha hương của gia đình nhỏ ấy từ đó hoàn toàn thay đổi. “Dường như suốt ngày từ sáng sớm lúc mặt trời mọc cho đến sẩm tối mặt trời lặn, lúc nào hai cụ cũng sống ở ngoài vườn. (…) Cứ chiều nào, từ sở làm trở về nhà, tôi cũng thấy một khung cảnh êm đềm tương tự: Bố tôi ngồi thong dong thưởng thức trà dưới gốc cây hoa mộc lan (…) Những ngày cuối tuần, tôi cuốc nhiều luống đất nho nhỏ cho Mẹ. Mỗi líp là một loại rau nào húng cây, húng lủi, tía tô, rau quế, bẹ xanh, tần ô, bạc hà, rau dền, rau muống...không thiếu thứ gì. Tôi cũng làm giàn cho Mẹ trồng bầu, trồng bí, thả mướp...ở hàng rào giáp ranh với nhà bên cạnh. (…) Suốt mùa hè, Mẹ tôi chẳng phải tốn tiền mua rau, muốn ăn loại nào cứ ra vườn tha hồ mà cắt, mà nhổ.”
Tôi từng sống ở New Orleans non một tháng, có một số bạn bè ở đó, vẫn còn giữ nhiều hình ảnh kỷ niệm. Xứ đó mùa đông không lạnh lắm, tre trúc mọc thành lũy xanh xanh, mùa hè đủ nóng để mướp trổ bông vàng. Chợ quê có bán từ bó rau muống nước đến mấy trái ớt hiểm, củ riềng, lá mơ. Xóm chài của người Việt có nhiều nhà mới xây theo kiến trúc phương tây, vườn trước cũng trồng những thứ cây kiểng phổ thông ở xứ đó, như mộc lan, đổ quyên, trà mi. Nhưng bước vào vườn sau là gặp ngay khung cảnh quê nhà: bụi chuối sau hè, đám xả góc vườn, cây ớt hiểm trái xanh trái đỏ chỉa lên trời, rau om, lá dứa mọc viền bờ ao, dây khổ qua dây mướp quấn quíu trên giàn. Nên những miêu tả của Đỗ Quang Minh làm trào lên trong tôi một niềm vui như gặp lại bạn cũ, hay về lại quê nhà. Nhưng một giấc mơ đẹp sao mong manh. Đỗ Quang Minh viết:
“Tôi dự định sẽ trồng tặng Mẹ một cây hồng giòn, sẽ trồng biếu Bố những cây mai vàng (Forsithia) bao kín hàng rào phía sau vườn. Rồi căn nhà của chúng tôi sẽ hực hỡ hoa vàng mỗi độ xuân về. Nhưng, cái mùa xuân tưởng tượng đó, tiếc thay, chẳng bao giờ đến khi biến cố khủng khiếp của cơn bão Katrina ập đến, nước tràn vào thành phố do bờ đê ngăn nước bị vỡ khiến New Orleans bị chìm trong biển nước.” Người con “đưa Bố Mẹ đi lánh nạn mà thương hai cụ muốn đứt ruột, Mẹ tôi khóc sướt mướt nhìn lại mảnh đất thân yêu lần cuối, Bố tôi cứ trù trừ bên gốc cây hoa mộc lan không muốn rời... Gia đình tôi là một trong hơn hai trăm người gốc Việt đến tạm trú ở tu viện Công giáo St. Catherine, Houston Texas, bang sát cạnh Louisiana.” Mặc dù tác giả “như nằm mơ! làm sao tôi có thể tưởng nổi chuyện khó tin nhưng có thật lại có thể xảy ra trên cái xứ Mỹ được ví như hùng mạnh, văn minh vào bậc nhứt thế giới?”
Thế giới bây giờ, kể cả những nước “văn minh, hùng mạnh” cũng không thể bảo đảm cho một chốn nào thanh bình an lạc dài lâu. Một ngày sau tai họa động đất và sóng thần ở nước Nhật, dư chấn lan tới bờ bên này Thái Bình Dương, bầu trời ảm đạm, mưa lây lất, sóng bồn chồn. Bellingham cũng nằm trên vành đai núi lửa và động đất. Mười năm trước đã xảy ra một trận động đất lớn ở Seattle, và người ta dự báo sẽ xảy ra tiếp một trận còn mạnh hơn nữa, nhưng không biết chắc khi nào. Người ta đành cứ sống, chừng nào mảnh đất dưới chân sụp mất hẳng hay.
Khu vườn nhỏ của tôi ở Bellingham không cần đến thiên tai bất thường để cảnh báo tính phù du của cuộc sống. Những ngày lạnh tới âm 10 độ C của mùa đông, những cơn bão tuyết, những trận mưa dầm suốt tháng là chuyện bình thường, năm nào cũng vậy. Năm kia, đợt lạnh đến sớm, mới đầu tháng 10, cúc còn nở tím ngoài vườn, cây bạch quả lá mới đổi màu vàng, thậm chí cây bươm bướm vẫn còn lá xanh. Bất ngờ trận gió bắc cực thổi xuống, tất cả chết cóng. Ngay cả giữa mùa xuân, những trận mưa liên miên (kết hợp với tuyết trên núi tan) gây ngập lụt, lở đất. Mảnh vườn rau “nào húng cây, húng lủi, tía tô, rau quế, bẹ xanh, tần ô, bạc hà, rau dền, rau muống...không thiếu thứ gì” của bà mẹ anh Đỗ Quang Minh đối với tôi vẫn chỉ là một giấc mơ sau mấy năm trời cố gắng tuyệt vọng cày xới mảnh đất nhỏ ở góc trời này.
Hàng xóm, và ông chồng tôi, thấy năm nào tôi cũng canh trời vừa ấm lên là cố trồng giậu mồng tơi với mấy cây bông vạn thọ. Mồng tơi ươm hột trong nhà có cửa kính, lò sưởi, đèn tỏa nhiệt, nảy mầm ra hai ba lá non mới canh ngày ấm áp đem trồng ra vườn. May mắn thì cây mọc thêm năm bảy lá, không đủ sức vươn tới thanh gỗ thấp nhứt của hàng rào để mà đánh đu lên, nói chi thành giậu thành giàn? Nhưng vạn thọ thì nếu mua loại vạn thọ Mỹ bán sẵn cây con ở các vườn cây giống thì hoa có thể nở từ cuối hè đến sang thu. Chỉ có điều, ông chồng nhứt định không cho trồng cây vạn thọ trước ngõ, vì mấy cái bông vàng cam tròn vo ấy phá hỏng cảnh trí khu vườn Mỹ của ổng.
Không phải ông không chấp nhận tình yêu của tôi đối với một giậu mồng tơi và vài cây bông vạn thọ. Ông chỉ không thể hiểu nổi tại sao tôi lập đi lập lại một nỗ lực vô vọng, chống lại thiên nhiên (vụ trồng mồng tơi) và con người (là ổng). Đã bảo trồng ở đâu cũng được, miễn đừng trồng trước ngõ, mà rồi tôi cứ ngay trước ngõ trồng một bụi hoa vạn thọ. Ông nhổ bỏ, tôi trồng lại. Ông nổi điên là tại sao tôi không có mắt thẩm mỹ, không thấy cái cây bông đó chỏi lỏi như thế nào trong bối cảnh vườn Ăng lê ở đây. Làm vườn ở đâu thì nên thích nghi với môi trường ở đó.
Nhưng đối với người Việt di dân, làm vườn ở xứ người thực chất là một kháng cự văn hóa. Không phải ư?
Tác giả: Lý Lan
Theo Tạp chí Tia Sáng
0 nhận xét