Bước vào thế kỷ 21, con người đã có những đòi hỏi mới về chất lượng cuộc sống: Thức ăn ngon và bổ dưỡng hơn. Nhà cửa áo quần đẹp với những tiện nghi vật chất và tinh thần phong phú hơn. Vì yêu cầu ăn ngon mặc đẹp ngày càng được xem trọng cho nên các ngành kỹ nghệ về nông nghiệp đã có một cách nhìn và triển vọng khác hơn so với những quan niệm cũ.
Ví dụ như ngành trồng Hoa, một loại nông sản mà ngày nay trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong mọi sinh hoạt của xã hội: hoa sinh nhật, hoa thăm hỏi, hoa tiệc cưới, hoa trang trí văn phòng, hoa tôn vinh lễ hội, hoa cho ngày Cha Mẹ. Cả đến khi nằm xuống, hoa cũng đưa ra tận nghĩa trang. Chính vì vậy mà yêu cầu về Hoa đã không còn sơ sài kiểu như có để chưng nữa, mà là một tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cuộc đời. Hoa đã là một ngành kỹ nghệ cực kỳ lớn, gấp 10 lần so với thị trường lúa gạo mà Việt Nam lúc nào cũng quan tâm.
Để xúc tiến ngành sản xuất và xuất khẩu hoa vào thị trường to lớn này, một số nước Á, Phi và Mỹ Latinh đã thiết lập “chương trình mục tiêu quốc gia” để qua đó tất cả các bộ, ban ngành đều phải đầu tư nhân sự và vật lực. Kiểu đầu tư đồng bộ và “quyết liệt” này đã giúp ngành hoa của nước Kenya chiếm lĩnh thị trường Âu châu, đem về một kim ngạch 700 triệu USD mỗi năm, nuôi sống 30.000 lao động, và giúp nước Colombia chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ, đem về một kim ngạch 1 tỷ USD, nuôi sống 99.000 lao động. Gần đây một quốc gia trung Mỹ khác – Ecuador - cũng đã trở thành quốc gia xuất khẩu hoa hồng có tiếng. Hoa hồng Ecuador có chất lượng cao, kích cỡ hoa lớn vì được trồng ở cao nguyên.
Chúng ta cấp thiết tổ chức thực hiện một vài “chương trình mục tiêu quốc gia” cho một vài ngành về nông nghiệp như một số nước đã làm. Đặc biệt là một chương trình mục tiêu quốc gia về lúa gạo
Chương trình này sẽ cho ta biết cần phải duy trì ngành này ở mức độ nào khi đất, nước ngày một cạn kiệt mà thị trường xuất khẩu lại không lớn, giá không cao, nhưng lại là một ngành cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 70% dân trong nước.
Với một diện tích đất có thể canh tác không nhiều, chỉ 10-11 triệu ha nhưng lại có một thành phần nông dân trẻ, đông đảo hùng hậu, Việt Nam phải tính toán để phân bổ hợp lý đất, người và đặt ưu tiên phát triển mặt hàng nông nghiệp nào kinh tế nhất cho thị trường trong và ngoài nước. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá, thành phần nông dân Nhật đã giảm từ 60% xuống còn 5-6%. Điều này đã làm Nhật Bản gặp muôn vàn khó khăn trong sản xuất vì số nông dân quá ít, nên kết quả là họ đã phải nhập khẩu đến 60% lương thực. Nếu nông thôn Việt Nam quyết tâm lột xác để xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở tốt, một môi trường sản xuất thông thoáng, để ứng dụng một nền khoa học công nghệ cao, thì thành phần nông dân trẻ sẽ trụ lại, xây dựng thành công một đất nước có cả nông nghiệp lẫn công nghiệp hiện đại, vừa bảo đảm tính bền vững về an ninh lương thực vừa bảo đảm “môi trường xanh” cho Việt Nam. Đừng bao giờ quên rằng nông nghiệp ngày nay ngoài vai trò sản xuất, còn đóng thêm vai trò quan trọng khác: môi trường xanh cho những con người Việt Nam mạnh khỏe.
Chương trình mục tiêu quốc gia về lúa gạo là cơ hội, đồng thời là giải pháp hữu hiệu để tạo ra bước phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam
Nguyễn Quốc Vượng
Theo Tia Sáng
0 nhận xét