Thị trường xăng dầu đang được vận hành theo cơ chế thị trường. Khi giá thế giới tăng hoặc giảm, giá bán lẻ trong nước cũng tăng hoặc giảm tương ứng. Tuy nhiên những ngày gần đây, khi giá xăng dầu thị trường thế giới giảm nhiều nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm!
Giá xăng dầu thị trường thế giới giảm nhiều nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm. |
Vì sao chưa giảm giá?
Thông tin từ thị trường xăng dầu thế giới cho thấy, trong vòng một tháng qua, giá xăng dầu đã giảm đáng kể. Tính đến ngày 15-6, giá dầu thô đã lao dốc gần 5%. Cụ thể, giá dầu thô giao tháng 7 trên sàn New York chỉ còn 94,81 USD/thùng, thấp nhất kể từ trung tuần tháng 2-2011 đến nay.
Ở thị trường trong nước, theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đã bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, trên cơ sở cân đối lợi ích giữa 3 đối tượng: doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng, tại cuộc họp ngày 10-6-2011 vừa qua, liên bộ Tài chính - Công thương đã lựa chọn giải pháp không giảm giá bán xăng dầu mà tăng thuế và tăng thêm mức trích quỹ bình ổn giá. Theo đó, Nhà nước sẽ tăng thuế nhập khẩu xăng dầu từ 0% lên 5% đối với diesel, dầu hỏa. Tỷ lệ thuế này vẫn thấp hơn từ 10% (đối với diesel) đến 15% (đối với dầu hỏa) theo quy định của biểu thuế nhập khẩu hiện hành. Riêng mặt hàng xăng, dầu mazut, thuế nhập khẩu vẫn tiếp tục giữ 0%. Cùng với việc tăng thuế nhập khẩu, các DN xăng dầu còn phải tăng thêm mức trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng 100 đồng/lít để tạo nguồn cho xử lý bình ổn giá trong thời gian tới.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, thời gian qua bộ đã điều hành thị trường xăng dầu theo hướng để nhà nước và DN chia sẻ với người tiêu dùng. Cụ thể từ những tháng cuối năm 2010, mặc dù giá xăng dầu thị trường thế giới đã tăng, nhưng Bộ Tài chính không cho tăng giá bán và từ giữa tháng 1-2011 đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng, diesel xuống 0% và đến ngày 24-2 tiếp tục giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với dầu mazut và dầu hỏa. Mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu giảm xuống 0% trong suốt thời gian qua đã khiến cho nguồn thu ngân sách nhà nước từ năm 2010 đến ngày 10-6-2011 giảm khoảng 20.136 tỷ đồng, trong đó riêng giai đoạn từ ngày 24-2 đến nay giảm mất khoảng 10.047 tỷ đồng. Vì vậy, để bù đắp vào sự thất thu này, trước mắt, Bố Tài chính đã tăng thuế, tăng trích nộp dự phòng chứ không buộc các DN giảm giá bán như người tiêu dùng mong đợi.
Trả lời báo chí vì sao chưa thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường như quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng, nếu thực hiện đúng với nguyên tắc xác định giá bán xăng dầu trong nước như quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, lẽ ra giá bán xăng dầu trong nước vào thời điểm cuối tháng 4-2011 phải tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm trên dưới 1.000 đồng/lít tùy theo từng chủng loại. Tuy nhiên, để giảm bớt tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến mặt bằng giá chung nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trong khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2011 tăng ở mức cao, ngày 29-4-2011, Bộ Tài chính đã có văn bản để các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng dầu hiện hành. Việc chấp hành giữ ổn định giá xăng dầu theo chỉ đạo trong thời gian tháng 4-2011 đến những ngày đầu tháng 5-2011 đã làm DN kinh doanh xăng dầu đầu mối phát sinh những khó khăn không nhỏ. Hơn nữa, trong thông cáo báo chí gửi ngày 29-3-2011, liên bộ Tài chính - Công thương đã nêu rõ nguyên tắc: Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 29-3-2011, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Cụ thể nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện). Vì vậy, Bộ Tài chính kêu gọi người dân và toàn xã hội hiểu và ủng hộ, đồng thuận.
Coi chừng xăng dầu nhập lậu
Trái ngược với việc xuất lậu xăng dầu qua biên giới như trước đây, hiện nay mối lo ngại của thị trường xăng dầu lại là hàng nhập lậu có khả năng tràn vào Việt Nam. Lý do, trước tình hình giá xăng dầu thế giới giảm, các nước láng giềng như Lào, Campuchia thời gian gần đây đã 2 lần giảm giá xăng dầu, dẫn đến tình trạng chênh lệch giá bán giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực (giá xăng dầu nước bạn đang thấp hơn Việt Nam khoảng 5%).
Tại buổi giao ban trực tuyến Bộ Công thương mới đây, một số DN xăng dầu đầu mối chủ chốt như Petrolimex, PVoil cho biết, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu xuất hiện một số bất cập. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, kinh doanh dầu diezel tại một số đầu mối lãi khá lớn, có không ít các DN tranh thủ nhập lậu, nhập hàng giá rẻ về bán ra thị trường khiến cho các DN đầu mối chủ chốt bị thu hẹp thị phần, quỹ bình ổn bị âm. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, các DN cho rằng, khi thị trường thế giới đang nhiều biến động thì Bộ Tài chính chưa nên áp thuế nhập khẩu mà điều tiết bằng quỹ bình ổn để hỗ trợ lại các khoản lỗ đã tích lũy từ trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia quan sát thị trường cho rằng, cần phải để thị trường xăng dầu vận hành theo đúng quy định của Nghị định số 84/CP, và theo đó, điều quan trọng nhất phải điều hành giá theo đúng cơ chế thị trường, bám sát giá thế giới. Khi giá thế giới tăng, giá bán lẻ trong nước cũng tăng và khi giá thế giới giảm, giá bán lẻ trong nước cũng giảm tương ứng, có như thế mới tạo được điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng và cho các DN chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.
Nguyễn Thu Tuyết// SGGP
0 nhận xét