>>Trung Quốc chạy thử giàn khoan Marine Oil 981
Giàn khoan này thuộc Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi lớn nhất TQ (CNOOC). Kinh phí xây giàn khoan vào khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD). Dù chưa cập nhật địa điểm cụ thể, nhưng theo một số nguồn tin, nơi TQ tiến hành khoan sẽ là vùng biển Trường Sa.
Dàn khoan khủng "Dầu Khí Hải Dương 981" của Trung Quốc. Ảnh: Tư liệu
Qua hai vụ gây hấn điển hình trong vòng một tuần lễ và hàng loạt vụ bức hại, hành hung có hệ thống ngư dân Việt Nam, TQ thực sự bước vào giai đoạn áp đặt “đường lưỡi bò”. Bước vào giai đoạn mới trong chiến lược lấn chiếm biển Đông, TQ vừa ngang nhiên gây hấn cục bộ vừa tung hứng các xảo ngôn “thiện chí”, niệm thần chú “trỗi dậy hòa bình”, đồng thời tiến hành ngoại giao nụ cười và mua chuộc bằng tiền bạc. Mục đích trước mắt là biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để độc chiếm biển Đông. Trước và trong khi biển Đông chưa hết sóng dữ thì mấy ngày qua, hàng loạt vụ biểu tình bạo động đã và đang bùng nổ ngay trong nội địa TQ do bất bình đẳng xã hội sâu rộng.
Vậy là ngoài nứt trượt địa-chính trị trên toàn cầu và ngay tại Đông Nam Á (yếu tố khách quan), bức xúc muốn dẹp loạn trong nước và tham vọng đối ngoại (yếu tố chủ quan) có vai trò quyết định trong việc TQ chọn thời điểm hiện nay để khuấy lên các cơn sóng dữ ở biển Đông. Nhìn vấn đề từ cội nguồn, thế giới không hề ảo tưởng mỗi khi Bắc Kinh xuống giọng “TQ sẽ không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp” hay “các vụ tranh chấp nên giải quyết qua thương thuyết với những nước có liên hệ trực tiếp” (người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ hôm 14- 6).
Không! Rõ ràng không thể mắc lỡm bởi lập luận “các quốc gia không liên quan hãy rút lui!” (Báo Quân Giải Phóng ngày 14-6). Quan điểm chống lại “quốc tế hóa” và “đa phương hóa” ấy của TQ từ lâu đã không được các nước chấp nhận. Hai thượng nghị sĩ hàng đầu của Ủy ban Giám sát Chính sách Đối ngoại của Mỹ ở Đông Nam Á là Jim Webb (Đảng Dân chủ) và James Inhofe (Đảng Cộng hòa) đã đệ trình nghị quyết lên án TQ tại Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Webb cũng đã phê phán chính phủ Mỹ vì lập trường quá yếu đối với các vụ gây hấn của TQ mấy tuần qua.
Các tranh chấp trên biển Đông với các nước ASEAN thường liên quan đến chủ quyền biển-đảo, tự do lưu thông hàng hải quốc tế và hợp tác hòa bình trong khu vực. Do đặc thù của chúng, cả ba loại vấn đề này không có một vấn đề nào có thể giải quyết ổn thỏa trên cơ sở song phương. Chính vì tính chất liên quan đến nhiều bên tranh chấp mà Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về an ninh hàng hải ở biển Đông trong hai ngày 20 và 21-6. Bốn vấn đề được đưa ra bàn bạc gồm: Đánh giá về lợi ích, quan điểm của các bên tại biển Đông; cập nhật các diễn biến trong khu vực; đánh giá hiệu quả của các khuôn khổ, cơ chế an ninh hàng hải hiện nay trên biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh trong khu vực này.
Rõ ràng TQ ngày càng leo thang nguy hiểm, đặc biệt với “chiêu” ngoài miệng nói hòa bình nhưng trên thực tế thì đẩy mạnh hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. Trước tình thế đó, thế giới đã nhận ra rằng chỉ với “sức mạnh mềm” đơn thuần, không phải lúc nào cũng có thể nói chuyện phải quấy với TQ được. Trong nhận thức chung ấy, các nước đang theo dõi sát sao hải trình của hàng không mẫu hạm USS George Washington tới Tây Thái Bình Dương, mà trong sứ mệnh của nó có hoạt động tuần tra tại biển Đông.
Về phần mình, nếu chúng ta phát huy tối đa được sức mạnh của đa phương hóa, TQ sẽ không dễ “múa gậy vườn hoang” ở biển Đông và Việt Nam sẽ không đơn độc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và lãnh hải của Tổ quốc.
Nguyễn Đăng Thính//NLĐO
0 nhận xét