Phiên tòa xử tội phạm tham nhũng ở tỉnh Phúc Kiến hồi tháng 11/2010 - Ảnh: Reuters.
Tờ Người quan sát kinh tế mới đây đã có bài bình luận về những sai lầm vốn có thể ngăn chặn được trong hoạt động chống tham nhũng ở Trung Quốc, sau khi cơ quan chức năng nước này công bố một báo cáo động trời cho thấy, các quan tham của nước này đã tuồn hơn trăm tỷ USD ra nước ngoài.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã xuất bản một báo cáo với tựa đề "Làm thế nào các quan chức tham nhũng chuyển tài sản ra nước ngoài, và một nghiên cứu giám sát hiện tượng này”. Bản báo cáo dẫn các số liệu thống kê dựa trên một kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
Theo đó, kể từ năm 1990, số lượng đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, quan chức chính phủ, nhân viên an ninh công cộng, cán bộ tư pháp, công chức nhà nước, các thành viên quản lý cấp cao của những doanh nghiệp nhà nước đào vong khỏi Trung Quốc đã lên đến con số 18.000 người.
Cùng theo chân những người này là khoản tiền trị giá lên tới 800 tỷ Nhân dân tệ (hơn 120 tỉ USD). Đích đến ưa thích của họ là các nước phát triển như Mỹ, Canada hoặc khu vực Đông Nam Á và khoảng 18 nước, khu vực khác nhau trên thế giới.
Các phương thức chuyển tiền được tham quan Trung Quốc ưa thích gồm: mang lậu tiền ra nước ngoài, tiền gửi qua các dịch vụ chuyển tiền, làm giả thông tin về tài khoản, đầu tư ra nước ngoài, mua sắm bằng tín dụng, thông qua các trung tâm tài chính nước ngoài, chuyển tiền qua tài khoản của người thân.
PBoC nhấn mạnh rằng, thực tế tới nay, không ai có thể nói chính xác bao nhiêu tiền đã bị lấy đi và con số 120 tỷ USD kể trên chỉ là ước đoán. Tuy nhiên nó cũng đủ lớn, tương đương với tổng ngân sách dành cho hoạt động giáo dục từ năm 1978 tới năm 1998 ở Trung Quốc.
Tính trung bình, mỗi một quan chức đã ăn cắp của nhà nước khoản tiền 50 triệu Nhân dân tệ (hơn 7 triệu USD). Do đây chỉ là ước tính nên con số thực có thể còn lớn hơn như vậy nhiều.
Chẳng hạn, một số báo đài gần đây cho hay, vợ của Phó kỹ sư trưởng Bộ Đường sắt Trương Thự Quang, người gần đây bị bắt vì tội tham nhũng, sở hữu tới ba tòa nhà sang trọng ở Los Angeles (Mỹ), tài khoản tiết kiệm tại Mỹ và Thụy Sĩ lên tới 2,8 triệu USD.
Trường hợp này cho thấy một góc rất nhỏ của bức tranh toàn cảnh.
Con số các quan chức tham nhũng đào vong khỏi Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy sự nghiêm túc trong những nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ nước này.
Tuy nhiên, nếu sự tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn và lạm quyền để trục lợi cá nhân là một chuyện bình thường, thì sự đào thoát của những quan chức tham nhũng đã thể hiện một sự mục nát ở bên trong hệ thống. Nó đã cho thấy 7 nỗi hổ thẹn lớn trong hoạt động chống tham nhũng ở Trung Quốc.
Từ khi bắt đầu tham nhũng đến lúc tổ chức chuyển tiền ra nước ngoài phải mất một khoảng thời gian. Những quan chức tham nhũng có thể ung dung sống ngoài vòng pháp luật trong thời gian này mà không hề bị bắt chính là nỗi hổ thẹn đầu tiên.
Nỗi hổ thẹn tiếp theo là, khi một quan chức tham nhũng chuẩn bị tẩu thoát, ông ta thường gửi vợ con ra sống ở nước ngoài trước và ở lại Trung Quốc một mình. Những nhân vật này thường bị báo chí gọi là “quan chức khỏa thân”. Nhưng việc hành động họ lộ liễu giống như người ta khỏa thân vậy mà cũng không ai phát hiện.
Tại một đất nước như Trung Quốc, nơi các nguồn tài chính chảy ra bên ngoài lãnh thổ bị kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt, vì sao các quan chức trên lại có thể chuyển số tiền lên tới con số triệu USD ra nước ngoài một cách dễ dàng tới vậy? Đây là nỗi hổ thẹn thứ 3.
Và nỗi hổ thẹn thứ 4 là họ đã thay đổi nhân dạng hết sức tài tình, khiến việc tìm bắt vô cùng khó khăn. Các tham quan này thường nắm trong tay rất nhiều hộ chiếu và danh tính khác nhau. Chẳng hạn như trường hợp cựu Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam Lý Gia Đình từng có tới 5 hộ chiếu khác nhau, tất cả đều là đồ "xịn”.
Việc họ trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật là nỗi hổ thẹn thứ 5. Việc dẫn độ liên quan đến hệ thống chính trị và tư pháp của hai quốc gia, mỗi quốc gia lại có quan niệm riêng về việc thi hành pháp luật. Thủ tục tư pháp thường rất phức tạp và dài dòng. Việc dẫn độ thường xuyên phải gặp khó khăn bởi một người bị tuyên bố tử hình vắng mặt không thể bị dẫn độ vì những lý do nhân quyền.
Ngoài ra, Trung Quốc còn không ký hiệp ước dẫn độ với những quốc gia là địa điểm chính của những quan chức tham nhũng bỏ trốn là Mỹ hay Canada, vì vậy khi họ đã ra khỏi biên giới Trung Quốc, khả năng bị bắt và xét xử là gần như bằng không.
Thậm chí, ngay cả khi các quan chức trên bị bắt, tiền bị họ trộm mất cũng sẽ không thể phục hồi. Đó là nỗi hổ thẹn thứ 6. Công ước Liên hợp quốc chống tham nhũng đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản trong việc trả lại các tài sản bị chiếm hữu bất hợp pháp, nhưng việc triển khai nó trong đời sống vô cùng khó khăn.
Trung Quốc không chỉ phải chứng minh tài sản bị đánh cắp là của mình, mà còn phải chia sẻ một phần tiền thu hồi được với tất cả các nước đã giúp họ lấy lại số tiền. Sau khi hoạt động “chia chác” đã xong, số tiền trở lại Trung Quốc cũng chẳng còn được bao.
Và cuối cùng là nỗi hổ thẹn thứ 7, các quan chức chính phủ tổ chức đào thoát thành công sẽ trở thành “thần tượng” cho những tham quan khác còn ở trong nước học theo. Nhiều người từng giữ các chức vụ cao và nắm giữ các bí mật quốc gia quan trọng, và các thế lực thù địch rất có thể sẽ tìm cách hối lộ những người này. Đây là một mối đe dọa tiềm tàng cho sự ổn định chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc.
Với những lý do kể trên, điều quan trọng nhất trong hoạt động chống tham nhũng hiện nay là ngăn chặn nó ngay từ gốc, thay vì đợi cho chuyện đã xảy ra mới đuổi theo các tham quan một cách vô ích. Chính sách chống rửa tiền hay buộc các nhân viên cấp cao trong chính phủ báo cáo tài sản cá nhân của mình sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Việc quản lý những quan chức có vợ con đi sang nước ngoài cũng không phải là một giải pháp.
Hiệu quả sẽ chỉ đến khi có một hệ thống trong sạch mà ở đó không ai dám có hành vi tham nhũng. Một vài phương tiện truyền thông đang đề xuất việc áp dụng một hệ thống công bố tài sản. Nếu được áp dụng, phương án này có thể coi như dùng "súng thần công để bắn muỗi", nhưng cũng không chừng đây lại là phương pháp hữu hiệu trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.
Hồng Ngọc
0 nhận xét