|
Trưởng công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế - ông Luis Moreno-Ocampo hôm qua (28/6) cho rằng Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi có thể sẽ đầu hàng trong vòng 2 hoặc 3 tháng nữa. Trong lúc này, phe nổi dậy Libya đã tiến sát về thủ đô Tripoli – thành trì chính của ông Gaddafi.
Ông Moreno-Ocampo là quan chức quốc tế mới nhất bày tỏ tin tưởng Tổng thống Gaddafi sẽ sớm phải đầu hàng trước cuộc nổi dậy của Libya được NATO hậu thuẫn.
"Việc ông Gaddafi phải đối mặt với một phiên tòa xét xử chỉ còn là vấn đề thời gian. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu... Chỉ hai hoặc ba tháng nữa, cuộc chơi ở Libya sẽ kết thúc", ông Moreno-Ocampo đã phát biểu như vậy với các phóng viên ở The Hague.
Những phát biểu của ông Moreno-Ocampo được đưa ra chỉ một ngày sau khi ICC phát lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Gaddafi, con trai ông này - Saif al-Islam và Giám đốc Cơ quan Tình báo Libya Abdullah al-Senussi vì những cáo buộc chống lại loài người.
Nếu nhìn bề ngoài của sự việc thì có vẻ như niềm tin của trưởng công tố viên ICC là có cơ sở. Nhà lãnh đạo Libya dường như ngày càng bị đẩy vào tình thế khó khăn. Trong khi ông Gaddafi phải đối mặt với một lệnh truy nã quốc tế thì ngày càng có thêm nhiều nước công nhận phe nổi dậy là đại diện chính thức của Libya. Tình hình trên chiến trường cũng đang theo chiều hướng bất lợi cho quân của ông Gaddafi khi phe nổi dậy đang gần tiến sát về thủ đô Tripoli.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng lệnh truy nã của ICC thực chất sẽ chẳng tạo nên sự khác biệt gì đối với tình hình ở đất nước Bắc Phi. ICC không có lực lượng cảnh sát quốc tế để thực thi lệnh bắt giữ. Vì thế, chiến tranh sẽ tiếp diễn như trước đây. ICC cứ đưa ra những lệnh truy nã và cáo buộc mà cơ quan này muốn nhưng sẽ hầu như không có khả năng bắt giữ ông Gaddafi khi ông này vẫn còn cầm quyền. Tòa án Hình sự Quốc tế trước đó đã phát lệnh bắt Tổng thống Sudan Omar al-Bashir năm 2009 nhưng đến nay ông này vẫn đang tại vị.
Có lẽ, tác dụng duy nhất của lệnh truy nã ông Gaddafi là nó có thể trở thành một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở đất nước Bắc Phi. Theo đó, Tổng thống Gaddafi có thể được khuyến khích từ chức với một trong những điều kiện là ông này được miễn truy tố.
Tuy nhiên, khả năng trên khó xảy ra. Ngược lại, lệnh truy nã sẽ khiến ông Gaddafi ngày càng trở nên nguy hiểm. Khi bị dồn vào đường cùng, ông Gaddafi sẽ có thêm quyết tâm ở lại chiến đấu đến cùng. Và viễn cảnh này sẽ không có lợi cho phe nổi dậy và NATO.
Hiểu rõ tình hình, trưởng công tố viên Moreno Ocampo hôm qua đã bày tỏ mong muốn Libya chịu trách nhiệm chính trong việc thực thi lệnh bắt giữ ông Gaddafi. Trong một tuyên bố của ICC, ông Moreno Ocampo đã trực tiếp kêu gọi giới nội bộ chính quyền Libya bắt ông Gaddafi.
Ông Ocampo cũng gợi ý một cách khác là sẽ chờ ông Gaddafi đến một nước tham gia ICC để tiến hành bắt giữ ông này. Trong khi đó, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya cũng bày tỏ mong muốn sẽ trực tiếp thực thi lệnh bắt giữ ông Gaddafi.
Nhưng rõ ràng, những cách thức trên đều không hề dễ thực hiện. Vì thế, khả năng ông Gaddafi sớm đầu hàng là khó xảy ra.
Phe nổi dậy tiến sát thủ đô
Trong lúc này, phe nổi dậy Libya tuyên bố họ đang tiến gần sát tới thủ đô Tripoli.
Lực lượng nổi dậy ở rặng núi phía Tây, phía tây nam thủ đô Tripoli, hồi cuối tuần đã đạt được bước đột phá lớn nhất trong nhiều tuần trở lại đây khi tiến được tới thành phố Bir al-Ghanam. Như vậy, quân nổi dậy đã tiến xa được hơn cứ điểm trước đó của họ tới 30km và ngày một áp sát căn cứ chính của ông Gaddafi.
Các cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ ở Bir al-Ghanam đã tiếp tục diễn ra trong những ngày đầu tuần. Quân chính phủ đã sử dụng rocket Grad. Cuộc chiến ở đây chỉ kết thúc sau khi NATO tiến hành một loạt cuộc không kích nhằm vào lực lượng trung thành với ông Gaddafi.
Quân chính phủ và phe nổi dậy cũng đã có các cuộc đụng độ ở những khu vực xung quanh hai thành phố Zintan và Misrata.
Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ nhất định nhưng chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ phe nổi dậy có thể thắng được quân của ông Gaddafi. Cuộc nổi dậy ở đất nước Bắc Phi đã nổ ra từ giữa tháng 2 nhưng hơn 4 tháng đã trôi qua mà tình hình ở đây vẫn chưa có gì khác biệt. Phe nổi dậy và quân chính phủ vẫn tiếp tục chiến đấu với nhau trong bế tắc. Hai bên vẫn giành giật nhau từng thước đất. Sự thay đổi lớn nhất sau 4 tháng nội chiến chính là tình cảnh ngày một khó khăn của người dân Libya và sự tàn phá đất nước ngày càng nghiêm trọng.
Kiệt Linh - (theo AFP, Reuters, THX, The Week)// VnMedia
0 nhận xét