Chuyện diễn ra vào tháng 4 năm 2007, khi đoàn đại biểu của TPHCM đặt chân lên đảo Trường Sa lớn trong chương trình “Vì Trường Sa thân yêu”, và nghỉ lại một đêm trên những chiếc giường mà các chiến sĩ hải đảo nhường cho.
Sáng hôm sau, chúng tôi tổ chức buổi sinh hoạt giao lưu tại hội trường. Không khí giao lưu tưng bừng và nhộn nhịp. Nhìn những người lính trẻ mặc quân phục hải quân cùng múa hát, tôi buộc miệng nói với nhạc sĩ Kỳ Anh và Thanh Bình: “Ước gì mình có một chiếc mũ hải quân của đảo về làm kỷ niệm”.
Hải Triều, người lính hải quân không nón đứng giữa hàng quân (thứ tư từ trái sang) vẫy chào đoàn tàu rời đảo. |
Suy nghĩ của tôi đơn giản là muốn đem một kỷ vật nào ấy về để chứng minh rằng mình đã đặt chân đến đó. Và tất nhiên, cả ba chúng tôi đều cười vì ai cũng hiểu, xin quân trang quân phục là điều viễn vông.
Sau bữa cơm trưa chia tay, một người lính trẻ mặc quân phục hải quân mời tôi ra một góc nói giọng nhỏ nhẹ: “Ban nãy tình cờ nghe anh nói muốn có một chiếc nón hải quân để làm kỷ niệm, em có một chiếc tuy không mới nhưng cũng xin tặng anh”.
Tôi giật mình và áy náy bởi phát ngôn của mình khiến người lính phải suy nghĩ. Vả lại làm sao tôi nhận được đồ của người lính, mất quân trang, người chiến sĩ sẽ bị xử lý theo kỷ luật thép. Thấy tôi bối rối từ chối, người lính trẻ nói ngay: “Chúng em ở đây sương gió quen rồi, chỉ thiếu tình cảm thôi. Anh chị ra thăm đảo là niềm vui quá lớn, em tiếc gì chiếc nón đâu, anh cứ giữ lấy làm kỷ niệm của Trường Sa, và nhớ viết bài hát về người lính chúng em nhé”. Không cho tôi phân bua lời nào, người lính trẻ rút ngay cây bút và ký tặng lên chiếc nón hai chữ: Hải Triều.
Không từ chối được, tôi ký tặng lại cho Hải Triều tập bài hát của mình rồi cầm chiếc mũ lên tàu mà lòng rối bời. Liệu việc mình làm có đúng không, liệu Hải Triều có bị kỷ luật không. Đến giờ tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết trong hàng quân đứng nghiêm tiễn tàu rời đảo, một chiến sĩ không có nón như đồng đội, trên tay vẫn cầm tập bài hát của tôi. Chiếc nón hải quân ấy đang nằm trong tay một người bạn mới quen để trở về đất liền. Câu chuyện ấy đã giúp tôi viết nên bài hát “Nơi ấy là Trường Sa”.
Một năm sau, trong chuyến công tác ở cảng Cam Ranh cùng Thành đoàn TPHCM, tôi đã kể về kỷ niệm với người lính hải quân ấy cho những người chiến sĩ ngày mai lên đường đổi quân cho Trường Sa, và hát bài hát “Nơi ấy là Trường Sa” của mình. Khi kết thúc, một người lính già oai phong bước ra hậu trường nắm chặt tay tôi. Ông chính là người ngồi hàng ghế đầu và được giới thiệu trong thành phần đại biểu danh dự. Nhưng lúc này đây, ông chỉ nói với tôi rằng: “Tôi là Hải Quân, bố của người mà nhạc sĩ đã tặng tập nhạc. Cậu ấy tên là Hải Triều”.
Nhạc sĩ XUÂN NGHĨA
Theo SGGP
0 nhận xét