Trên thực tế, con tàu ấy không hoàn toàn mới, nó được nâng cấp trên cơ sở con tàu cũ có tên Varyag của Ukraine thuộc lớp Đô đốc Kuznetsov thời Liên Xô, và mới chỉ hoàn thành 70% khi Trung Quốc mua lại năm 1998. Nhưng ít nhất, nó đang được coi là tài sản của hải quân và là điều từ lâu Bắc Kinh thèm muốn.
Giờ đây, tàu sân bay đã được tân trang hoàn toàn và được trang bị với hệ thống điện tử, vũ khí hiện đại, có thể bắt đầu thử nghiệm trên biển mùa hè này và ra nhập hạm đội của quân đội Trung Quốc vào cuối năm nay. Mặc dù được dự đoán từ lâu, nhưng việc Trung Quốc xác nhận thông tin về con tàu đã làm đảo lộn cân bằng khu vực địa chiến lược Thái Bình Dương.
Trong nhiều năm nay, Trung Quốc đã nỗ lực đến tuyệt vọng để sở hữu một con tàu sân bay. Nước này đang chinh phục đỉnh cao của một siêu cường toàn cầu, họ cần phải bảo vệ các tuyến đường biển và sức mạnh không quân hải quân là một nhân tố quan trọng trong các hoạt động can thiệp hiện đại. Bên cạnh đó, việc sở hữu một tàu sân bay là một tuyên bố công khai về sức mạnh và tham vọng - có một sự thật mà nhiều người công nhận rằng, một nhóm tàu sân bay chiến đấu là hệ thống vũ khí phi hạt nhân uy lực nhất trên thế giới. Điều này giải thích vì sao Mỹ sở hữu nhiều tàu sân bay và vì sao các nước láng giềng Trung Quốc như Nga, Ấn Độ và Thái Lan đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống ấy.
Một nhóm tàu sân bay chủ yếu là tấn công, trong khi đội tàu chiến mới của Trung Quốc đã đủ để gây nên cuộc tranh cãi về các ý định của Bắc Kinh trong tương lai không xa. Và, Trung Quốc có nhiều tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Biểu tượng ảo hay sức mạnh thật
Một tàu sân bay hoạt động đầy đủ sẽ là sự bổ sung uy lực mạnh mẽ vào kho vũ khí của Trung Quốc. Hãy nhớ là hải quân nước này không ngừng công cuộc mua sắm các loại tàu nổi, tàu ngầm hạt nhân, máy bay chiến đấu để hoàn thành khát vọng sở hữu một đội tàu tác chiến hoàn hảo.
Không ai nói rằng, tài sản mới sẽ được lập tức sử dụng để tiến hành hoạt động chống lại một bên nào đó. Với sân bay ấn tượng, tàu Varyag mà Trung Quốc gọi là Thi Lang đúng là biểu tượng sức mạnh hải quân nhưng còn xa để có thể đi vào hoạt động đầy đủ.
Việc có một con tàu sân bay không đơn giản là tự động chuyển đổi trở thành một lực lượng hải quân sở hữu tàu sân bay. Trung Quốc có thể mất 15-20 năm trước khi có một nhóm tàu sân bay tác chiến gồm 4-6 sáu chiếc. Và, các thách thức đặt ra với việc vận hành hoạt động hạm đội này không hề nhỏ. Hạ cánh trên tàu sân bay là công việc căng thẳng nhất trong hoạt động bay. Đồng thời, boong tàu sân bay là một khu vực làm việc rất nguy hiểm vì kích cỡ tương đối nhỏ, và số lượng nhiều hoạt động cùng diễn ra ở một nơi trong cùng một thời điểm. Do đó, rủi ro dẫn đến cái chết của một phi công hay người hỗ trợ là rất cao.
Hoạt động tàu sân bay là cả một gánh nặng. Hơn mọi tàu chiến khác, tàu sân bay là "hệ thống của hệ thống" bên trong và của chính bản thân nó. Các tàu sân bay có thể có những loại máy bay khác nhau trên boong. Một tàu sân bay Mỹ có khoảng bốn phi đội chiến đấu cơ riêng biệt, một phi đội chiến đấu điện tử, một phi đội chống tàu ngầm và các trực thăng tìm kiếm cứu hộ, một phi động cảnh báo sớm và một phi đội vận chuyển hàng hóa. Hơn thế nữa, cái gọi là "chu kỳ hoạt động" - khởi động và phục hồi liên tục của các sứ mệnh bay trong một ngày - đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa con người và máy móc, tất cả đều đòi hỏi sự thực hành liên tục để sẵn sàng tiếp cận với bất kỳ mức độ nào. Điều đó có nghĩa là không chỉ cần tới một cơ sở đào tạo lớn trên bờ mà còn cần đến việc diễn tập thường xuyên trên biển.
Đó là chưa kể, tàu Varyag sử dụng thiết kế kiểu nhảy cầu "ski-jump". Kiểu này cung cấp nhiều lợi thế: khi cất cánh nó sẽ không tạo ra áp lực cho khung máy bay và phi công, cho phép trọng lượng máy bay nhẹ hơn vì ít phải tăng cường cấu trúc khung. Khi đã lên không, máy bay sẽ có được góc tấn công lớn, làm tăng thêm tốc độ bay. Nhưng mặt khác, máy bay cất cánh kiểu này không thể mang tải trọng nặng (như trang bị vũ khí và nhiên liệu), vì thế bị hạn chế lớn về hỏa lực và phạm vi hoạt động.
Chưa kể chi phí cho vận hành, bảo dưỡng, hoạt động con tàu.
Ai sẽ thống trị những ngọn sóng
Kết quả là, những tranh cãi tiếp tục xảy ra về việc nên hay không có những nỗ lực đáng giá và đầu tư quá lớn vào loại tài sản này. Phía chỉ trích cho rằng, tàu sân bay rất dễ tổn thương trước những loại vũ khí rẻ tiền như tên lửa hành trình, trong khi phe ủng hộ lại khẳng định, tàu sân bay thực sự là lý tưởng cho khát vọng phô diễn sức mạnh và nếu cần là sử dụng nó.
Bất chấp các thách thức, Trung Quốc vẫn muốn có tàu sân bay. Những bình luận từ các quan chức chính phủ Trung Quốc cho thấy, nước này coi tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh đang trỗi dậy của họ. Trung Quốc cũng tin rằng, tàu sân bay có thể giúp lực lượng hải quân thực hiện sứ mệnh tốt hơn ở những khu vực cách xa bờ biển Trung Quốc khi các lợi ích kinh tế đất nước ngày một mở rộng.
Sứ mệnh chống hải tặc của Trung Quốc tại vịnh Aden đã nhấn mạnh một điều, hải quân nước này đã phải vật lộn để giúp các binh lính trên một con tàu được cung cấp đủ nước ngọt và lương thực. Một căn cứ nổi trên biển sẽ cho phép sự hạ cánh dễ dàng với các máy bay chiến đấu, trực thăng có thể góp phần giải quyết nhiều vấn đề, Bắc Kinh tin như vậy. Nhiều nguồn tin quân sự Trung Quốc tránh đề cập tới các tính năng chiến đấu có thể của một tàu sân bay, nhưng những nhà phân tích quân sự độc lập cho rằng, một tàu sân bay đi vào hoạt động sẽ đẩy Trung Quốc tiến gần tới mục tiêu chiếm ưu thế trên không.
Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ tài nguyên vào việc hiện đại hóa quân sự - gần đây nhất là việc nâng chi tiêu quốc phòng lên 12,7% ở mức 91,5 tỉ USD. Nếu Trung Quốc thành công trong việc có được không chỉ một mà là cả một hạm đội tàu sân bay, thì hạm đội ấy sẽ tạo nên những đột phá lớn trong nỗ lực mở rộng sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Có thể tới năm 2015, Trung Quốc mới hoàn thành con tàu của chính mình, và quan trọng hơn là xây dựng những con tàu khác. Rồi sau đó, câu hỏi là ai sẽ thống trị những ngọn sóng?
Thụy Phương (Theo heraldscotland)Tuần Việt Nam
0 nhận xét