Không một cán bộ chức trách nào ở Khánh Hòa có thể trả lời câu hỏi trên vì dự án xử lý nix thải đang có nguy cơ phá sản.
Tháng 5-2011 là thời hạn cuối cùng để dự án nhà máy xử lý nix thải tại thôn Mỹ Á, xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) đi vào hoạt động, theo như tuyên bố trước đây của lãnh đạo tỉnh này và nhà đầu tư. Thế nhưng sau gần hai năm khởi công, đến nay dự án này vẫn “trùm mền” trong khi gần 1 triệu tấn nix thải tại thôn Mỹ Á vẫn chưa có giải pháp xử lý.
Nhà đầu tư không đủ tiền
Dự án trên do Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Hà Nội (gọi tắt là Công ty Luyện kim Hà Nội) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2008 với mục tiêu xử lý nix thải của Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (HVS).
Sau một thời gian bị ngưng trệ, Công ty Luyện kim Hà Nội xin điều chỉnh dự án và ngày 8-12-2009 đã tổ chức “khởi công lại”. Theo công bố của Công ty Luyện kim Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng, thực hiện trên diện tích 25 ha, có công suất xử lý 330.000 tấn nix thải mỗi năm. Tuy nhiên đến nay, mặt bằng dành cho dự án này vẫn là một bãi đất hoang bên cạnh núi nix thải khổng lồ. Nguyên nhân cơ bản là nhà đầu tư không có năng lực về tài chính, luôn lấy lý do đang chờ vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Núi nix thải gần 1 triệu tấn của HVS tại thôn Mỹ Á, xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) tồn đọng nhiều năm. Ảnh: TẤN LỘC
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Khánh Hòa, cho biết: “Công ty Luyện kim Hà Nội gửi hồ sơ xin vay vốn đã lâu nhưng không có báo cáo năng lực tài chính, không có vốn đối ứng 30% cho dự án. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư báo cáo, giải trình các vướng mắc này nhưng họ không phúc đáp nên không thể cho vay. Ngoài ra, công ty giới thiệu đây là dây chuyền xử lý nix hoàn toàn mới, được nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết hiện chưa có cơ quan nhà nước nào thẩm định, trên thế giới cũng chưa có nước nào sử dụng công nghệ này. Mấy tháng trước, chủ đầu tư đã ba lần mời tôi sang Trung Quốc tham quan công nghệ nhưng tôi không đi vì không rành về kỹ thuật. Thực sự chúng tôi cũng lo cho tính khả thi của dự án này”.
Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong - cơ quan cấp phép dự án trên cho biết trong ba tháng gần đây, cứ nửa tháng thì ban có văn bản yêu cầu Công ty Luyện kim Hà Nội báo cáo tình hình tiến độ triển khai dự án, đồng thời trả lời các yêu cầu của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Khánh Hòa. Tuy nhiên, Công ty Luyện kim Hà Nội vẫn tránh hồi âm. Mới đây, công ty này có văn bản cam kết trong tháng 6-2011 sẽ có báo cáo thẩm định chính thức về công nghệ xử lý nix thải này.
Đống nix thải vẫn ì một chỗ
Trong các cuộc họp giải quyết việc xử lý núi nix thải của HVS, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Bộ TN&MT đều khẳng định: HVS phải chịu trách nhiệm chính trong xử lý dứt điểm lượng nix thải đang tồn đọng. Tuy nhiên, lãnh đạo HVS luôn cho rằng công ty này đã ký hợp đồng cung cấp toàn bộ khối lượng nix thải cho Công ty Luyện kim Hà Nội. Thực chất, nhà máy luyện kim chỉ là đơn vị xử lý hạt nix cho HVS với giá 6 USD/tấn nên trách nhiệm chính vẫn thuộc HVS.
Về trách nhiệm của HVS với lượng nix thải tồn đọng, ông Cao Tấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc HVS, chỉ nói: “Tôi mới về nhận công tác từ đầu năm nay nên chưa nắm rõ”. Ông Dũng đề nghị phóng viên gặp người phát ngôn của HVS. Tuy nhiên, dù rất cố gắng, người viết cũng không thể liên lạc được với người này.
Bà Lê Thị Ngọ (ở xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) bên giếng nước của gia đình không còn sử dụng được do bị nhiễm nix. Phía trước giếng nước là núi nix thải của HVS. Ảnh: TẤN LỘC
Mới đây, trao đổi với báo chí về sự đình trệ của dự án Nhà máy xử lý chất thải nix, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: “Công ty Luyện kim Hà Nội chỉ là đối tác của HVS trong xử lý nix thải. HVS vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc xử lý khối lượng hạt nix đã đưa ra môi trường”. Dự án xử lý nix thải bị đình trệ và đang có nguy cơ không triển khai được, vậy bao giờ mới có thể xử lý núi nix thải? Hầu hết những người có trách nhiệm của tỉnh Khánh Hòa, HVS mà phóng viên đã gặp đều chưa trả lời được câu hỏi này.
Hơn năm sào ruộng, gần hai sào đất vườn trồng màu, chuối của gia đình tôi bị chết sạch. Nhiều ruộng vườn của các gia đình khác cũng bị tương tự. Từ khi nước nhiễm nix, mỗi khi bước xuống ruộng lên thì hai chân tím đen. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên Nhà máy HVS và chính quyền địa phương nhưng không thấy ai trả lời. Ông NGUYỄN TẤN HÙNG, xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa Từ khi Nhà máy HVS phun nix, sức khỏe của người dân xã Ninh Phước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là người dân hai thôn Ninh Yển, Mỹ Giang nằm sát nhà máy. Khu vực này bị bụi nix bay ra rất nhiều vào mùa hè. Tuy chưa có điều tra chính thức nhưng mấy năm gần đây có đến khoảng 80% bệnh nhân đến khám tại trạm y tế xã bị mắc các bệnh về phổi, viêm xoang, phế quản, các bệnh lý về mắt... chưa kể các trường hợp lên bệnh viện tuyến trên. Hiện xã Ninh Phước đang có nhiều ca lao phổi, trong đó đa số phát bệnh từ khi phải hít bụi nix thường xuyên. Bà NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG, Trưởng Trạm y tế xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa |
TẤN LỘC
PLTP Online
0 nhận xét