Sau loạt bài “Thất vọng với hàng bán trên truyền hình”, Báo Người Lao Động nhận được nhiều ý kiến khác nhau về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này. Qua Người Lao Động Online, các luật sư bày tỏ ý kiến.
Luật sư Nguyễn Văn Cường - Công ty Luật TNHH Cường và cộng sự (Đoàn Luật sư TPHCM): Người tiêu dùng có thể kiện
"Việc quảng cáo bán hàng trên truyền hình sai sự thật trước hết phải xác định xem lỗi đó thuộc về doanh nghiệp cung cấp dịch hay thuộc về nhà đài (đài truyền hình). Trong đó, trách nhiệm chính vẫn thuộc về đơn vị cung cấp, do họ phải tự công bố chất lượng và chịu trách nhiệm. Đối với nhà đài, cái gì cũng phát sóng là sai, nên cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua sản phẩm qua truyền hình có thể khởi kiện các 2 đơn vị trên (doanh nghiệp bán hàng và nhà đài) ra tòa dân sự. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nào cấp giấy phép quảng cáo, khuyến mãi thì phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra những nội dung sai sự thật".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền - Hội Luật gia TPHCM:Cơ quan quản lý, cấp phép chịu trách nhiệm
"Trong việc bán hàng qua truyền hình không đúng sự thật, không thể nói nhà đài vô can, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước về cấp phép, kiểm duyệt nội dụng bán hàng trên truyền hình, khuyến mãi cũng phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của nhà đài là phải kiểm tra thông tin trước khi cho phát sóng; phải buộc đơn vị bán hàng cung cấp đầy các thông tin liên quan, có xác nhận từ cơ quan chức năng.
Theo quy định của Luật Báo chí và Pháp lệnh về Quảng cáo, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm phải chịu trách nhiệm chính về thông tin mà mình đưa ra, cũng như phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có). Nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải niêm yết công khai giá cả, phải bảo đảm thông tin chính xác, đầy đủ. Nhà đài cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Từ ngày 1-7 tới đây, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng có hiệu lực, sẽ còn quy định chặt chẽ hơn, chi tiết hơn về vấn đề này".
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Đoàn Luật sư TPHCM:Cơ quan quản lý Nhà nước liên đới trách nhiệm"Các công ty bán hàng qua truyền hình có hành vi quảng cáo sai sự thật, hàng hóa không có hoá đơn, chứng từ nguồn gốc, hàng nhái hiệu… đương nhiên phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng và phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Về phía các đài truyền hình cho phát sóng những quảng cáo này cũng có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ở đây, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm vì đã không quản lý chặt chẽ, biết những quảng cáo trên là quá lố, sản phẩm quảng cáo có thể “có vấn đề” nhưng vẫn làm ngơ để cho hình thức quảng cáo bán hàng này tồn tại, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Chẳng hạn, trong trường hợp Công ty Mua sắm Hạnh Phúc (Happy Shopping) thành lập, tổ chức quảng cáo bán hàng quá lố, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ… mà vẫn thoải mái hoạt động trong thời gian dài, cơ quan chức năng không có động tĩnh gì!".
Luật sư Trần Công Ly Tao - Đoàn luật sư TPHCM:Nhà đài cố ý làm trái
"Đơn vị kinh doanh mua bán, quảng cáo sai sự thật - cụ thể là một số công ty bán hàng qua truyền hình - là đã có hành vi lừa đảo. Các đài truyền hình phát quảng cáo mà không kiểm tra kỹ nội dung, không yêu cầu đơn vị kinh doanh cung cấp đủ hoá đơn chứng từ, giấy chứng nhận – kiểm định chất lượng hàng hóa… cũng vi phạm hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vì người tiêu dùng tin tưởng vào quảng cáo trên truyền hình, bỏ tiền mua sản phẩm với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường và không có tác dụng giống như quảng cáo. Trường hợp các đài truyền hình quảng cáo sản phẩm của Happy Shopping, nếu những mẫu quảng cáo đó là quảng cáo sản phẩm đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ… nhưng nhà đài vẫn tiếp tục duy trì lịch phát sóng những quảng cáo đó là đã vi phạm hành vi cố ý làm trái.
Theo tôi, các cơ quan Nhà nước nên vào cuộc điều tra, kiểm tra việc bán hàng qua truyền hình, nếu phát hiện đài truyền hình nào sai phạm thì xử lý nghiêm theo pháp luật. Cơ quan lập pháp cần sớm hoàn thiện, ban hành những văn bản luật đầy đủ, chặt chẽ, chưa có những chế tài nghiêm khắc để hạn chế trường hợp các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bản thân người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu thấy quyền lợi bị xâm phạm (mua hàng không đúng chất lượng như quảng cáo) thì có thể khởi kiện đơn vị bán hàng và cả đài truyền hình ra tòa".
N.Hải - T.Nhân ghi
Báo Người Lao Động
0 nhận xét