Mới đây nhất, hồi cuối tháng 3, tại chi nhánh Ngân hàng Đông Á, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, Hoàng Kiều Dũng, 30 tuổi, thủ quỹ chi nhánh ngân hàng này đã ẵm trọn số tiền gần 1,5 tỷ đồng và 41 lượng vàng miếng SJC (hơn 1,5 tỷ đồng) trong két sắt ngân hàng. Ngay sau đó, chi nhánh ngân hàng này đã phát hiện kịp thời và cử đại diện đến cơ quan công an trên địa bàn trình báo.
Qua xác minh, lực lượng công an đã làm rõ Hoàng Kiều Dũng chính là người chiếm đoạt số tiền và vàng này và bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.
Vụ thụt két ngân hàng gây chấn động nhất trong vòng vài năm trở lại đây phải kể đến vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) bị một nữ nhân viên kiểm soát trẻ của mình “rút ruột” gần 24,5 tỷ đồng trong suốt một năm nhưng mãi tới tháng 12/2009 mới phát hiện ra. Nữ nhân viên này tên Nguyễn Thị Thùy Vân (28 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội).
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, Vân là kiểm soát viên phòng giao dịch Thái Hà chi nhánh Hà Nội. Ngày 8/9/2009, SHB kiểm tra nội bộ phát hiện nữ nhân viên này có biểu hiện lợi dụng quyền hạn được giao, có hành vi gian dối để chiếm đoạt gần 24,5 tỷ đồng nên đã báo cơ quan điều tra.
Nhân viên ngân hàng ngày nào cũng “ngồi trên cả núi tiền”, nếu không trung thực mà luôn tư lợi bản thân thì rất dễ sa ngã. |
Cảnh sát làm rõ, nắm được kẽ hở trong công tác quản lý các tài khoản chi trả lãi tiết kiệm của SHB, Vân nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền. Nữ kiểm soát viên này lập một tài khoản khống mang tên An Thị Nhâm ở Hà Nội. Sau đó, cô sử dụng user (tên truy cập) của một đồng nghiệp từng công tác tại đây để truy cập vào hệ thống máy tính tạo các giao dịch thanh toán sổ tiết kiệm không có thật để "rút” tiền của ngân hàng... Vân dùng quyền kiểm soát viên của mình phê duyệt để được hệ thống xác nhận. Với thủ đoạn trên, từ tháng 8/2008 đến tháng 9/2009, Vân đã chiếm đoạt gần 24,5 tỷ đồng của SHB chi nhánh Hà Nội. Nữ nhân viên khai dùng số tiền trên để cùng chồng mua ba ngôi nhà, một căn hộ chung cư, ô tô Camry…
Tại phiên toà, Vân thừa nhận hành vi. Do đã hoàn trả lại số tiền chiếm đoạt, thành khẩn khai nhận, lại đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, Vân được hưởng tình tiết giảm nhẹ, lĩnh án 15 năm tù.
Liên quan vụ án, cơ quan điều tra xác định còn có trách nhiệm của nguyên phó trưởng Phòng phụ trách phòng Giao dịch Thái Hà và 7 nhân viên. Tuy nhiên, Ngân hàng SHB đã xử lý hành chính những trường hợp này nên phía công an không đề cập xử lý.
Tương tự hành vi ăn cắp tiền ở trên của Nguyễn Thị Thùy Vân là hành vi trộm tiền tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) được phát giác vào hồi cuối tháng 12/2007. Được phụ trách điểm giao dịch của ngân hàng này tại Cầu Giấy, Lê Hoài Phương (27 tuổi, trú tại Đại Cát, Liên Mạc, Từ Liêm, Hà Nội) không ngần ngại giả chữ ký khách hàng để rút tiền. Khi két sắt đã rỗng tới 24 tỷ đồng, ngân hàng mới phát giác ra mình bị “rút ruột” bởi một trong những nhân viên “cưng”.
Trong một thời gian dài, Lê Hoài Phương đã giả mạo chữ ký của khách hàng gửi tiền để “thụt két”. Cho đến ngày 21/12/2007, khi hành vi của y bị cơ quan Công an phát hiện thì số tài sản thâm hụt đã lên đến 24 tỷ đồng.
Ngày 13/3/2009, cơ quan CSĐT, Công an quận 1, TP HCM đã lập hồ sơ xử lý Trần Quốc Tài (SN 1984, ngụ quận 10) về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tài bị tình nghi đã lợi dụng nhiệm vụ là nhân viên thu ngân của Ngân hàng VID Public Bank (19A Bến Chương Dương, Phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) để chiếm đoạt số tiền khoảng 1,58 tỷ đồng của ngân hàng này.
Sau khi chiếm đoạt tiền, Tài dùng 80 triệu đồng để trả nợ tiền thua cá độ bóng đá trước đó. Phần còn lại Tài gửi cho người thân, rồi đến thuê phòng của một khách sạn ở quận 10. Tại khách sạn, Tài dùng dao lam cắt mạch máu tự tử, nhưng chỉ bị ngất. Khi tỉnh dậy, thấy vẫn còn sống, Tài gọi điện cho gia đình đưa đi cấp cứu.
Việc Tài “biến mất” khỏi cơ quan cùng số tiền nói trên được đồng nghiệp phát hiện từ trưa ngày 9/3. Rất may trong vụ này, cảnh sát đã nhanh chóng truy thu được 1,5 tỷ đồng và trả lại cho Ngân hàng VID Public Bank.
Một trong những vụ nhân viên thụt két nhà băng đình đám nhất từ trước đến nay phải kể đến vụ phó phòng một ngân hàng lớn tại Hải Phòng trộm 5,4 triệu USD (tương đương 108 tỷ đồng) vào thời điểm đầu năm 2006. Cụ thể, Nguyễn Thị Quỳnh Vân, phó trưởng phòng tiền tệ - thương mại của ngân hàng này đã rút khỏi công quỹ một số tiền lớn trong thời gian khá dài. Khi có nghi vấn, Nguyễn Thị Quỳnh Vân đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và Công an Hải Phòng bắt khẩn cấp. Tuy nhiên, vụ việc sau đó không được báo chí thông tin tiếp, dự luận vẫn không biết làm cách nào mà bà Vân bòn rút công quỹ của nhà băng một số tiền lớn như vậy mà nhiều năm sau mới bị phát giác.
Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó TGĐ Ngân hàng Á Châu, việc nhân viên ăn trộm tiền từ chính ngân hàng mình đang công tác là một điều không thể chấp nhận được, giống như một người con ăn trộm tiền của gia đình. Các ngân hàng khi tuyển nhân viên, ngay từ khâu đầu vào đã rất coi trọng tính trung thực, thật thà của ứng viên. Ở bất cứ công việc nào, thuộc ngành nghề gì cũng đòi hỏi tính trung thực, song đối với ngành ngân hàng yếu tố này là yêu cầu tiên quyết. Hãy tưởng tượng xem ngày nào nhân viên ngân hàng cũng “ngồi trên cả núi tiền”, và nếu ai đó chỉ tư lợi chút thôi, rồi lòng tham không đáy, mỗi ngày họ lại bòn rút của nhà băng 1 ít khi chưa bị phát hiện... Và hậu quả của tất cả những hành bi tham lam, không trung thực đó thật khó lường.
Bên cạnh đó, trong hoạt động ngân hàng, nhân viên phải tiếp xúc hằng ngày với khách hàng, với tiền bạc, với các đối tác, và sẽ không có ít những lời đề nghị "riêng tư”, "nhạy cảm" gửi tới họ kèm theo những khoản thỏa thuận hấp dẫn. Vì thế, nếu ai đó kém trung thực sẽ gặp không ít các khó khăn trong quá trình làm việc, và tất nhiên là không có khả năng thăng tiến, đấy là chưa nói nhiều trường hợp còn phạm pháp, tiền mất tật mang.
0 nhận xét