Nước mắt hạnh phúc của một cổ động viên khi đội tuyển Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010. Ảnh: NET |
1. Cuối năm 2009, đang đi lơn tơn ở Ý, thấy trên quảng trường Venice có một quầy bày bán áo thể thao, tôi hớn hở xáp lại móc túi lấy 7 euro mua chiếc áo đấu của Messi trong trang phục Barcelona. Vài hôm sau tôi qua Thụy Điển, gặp đúng ngày Barcelona đụng độ Real Madrid, liền lấy chiếc áo Barca tròng vào người.
Bữa đó tôi tức điên người vì tivi chỗ khách sạn tôi ở hổng có kênh nào trực tiếp truyền hình trận này. Sáng hôm sau, vừa đặt chân vô một nhà hàng, tôi vô cùng mừng rỡ khi thấy một anh chàng Thụy Điển mặc áo Barca. Tôi chưa kịp hỏi tỉ số trận đấu, hắn đã chạy lại niềm nở bắt tay tôi, tay giơ thật cao ngón cái. Hóa ra hắn thấy tôi mặc áo Barca (tôi mặc áo Messi, hắn mặc áo Ibrahimovich).
“Barca thắng rồi!”, hắn nói, “Thắng 1-0”. Hắn lại cười toe toét “Ibrahimovic ghi bàn”. Nói xong, hắn xoay người khoe tôi cái tên Ibrahimovic nằm chình ình trên lưng áo. Ra vậy! Ibahimovich là người Thụy Điển, hèn gì trông hắn hạnh phúc như đón sinh nhật và năm mới cùng một lúc. Tôi thầm nghĩ trước khi Ibrahimovich chuyển từ Inter Milan qua Barcelona, chưa chắc anh chàng này là cổ động viên của đội bóng xứ Catalan. Nếu tôi gặp hắn lúc đó, có khi thấy hắn đang mặc chiếc áo sọc xanh đen của Inter cũng nên.
2. Ngẫm lại, thấy chuyện đó cũng bình thường. Trong thời điểm này, chắc 100% người Hàn Quốc đang cổ động cho đội Manchester United của thầy trò Alex Ferguson, đơn giản vì cầu thủ Hàn Park Ji Sung đang chơi cho đội bóng này, và là một cầu thủ con cưng của Ferguson. Áo đấu của đội MU đang bán ở Hàn, chắc chiếc áo của Park là chiếc áo bán chạy nhất.
Cách đây mười năm, khi Hidetoshi Nakata giành chức vô địch Ý với câu lạc bộ AS Roma, dân Nhật chắc không ít người hào hứng khoác lên người chiếc áo màu bã trầu của đội bóng đại diện cho thủ đô nước Ý. Hai năm trước, Lê Công Vinh được huấn luyện viên Calisto giới thiệu sang thi đấu tại Bồ Đào Nha dưới màu áo câu lạc bộ Leixoes.
Nếu Vinh thi đấu tốt, được câu lạc bộ Leixoes ký hợp đồng dài hạn, lúc đó chắc chắn sẽ có đài truyền hình ở Việt Nam mua sóng giải đấu này để phát trực tiếp và tiếp theo là viễn ảnh hoàn toàn có thể hình dung được: sẽ có không ít người hâm mộ nước nhà trở thành cổ động viên của Leixoes.
3. Tất cả những hiện tượng kể trên gắn liền với niềm tự hào dân tộc. Nhưng nếu một người Việt Nam, Nhật Bản hay Thái Lan là fan của Beckham, Messi hay Cristiano Ronaldo thì lại là chuyện khác. Khi Beckham rời bỏ Manchester United để chơi cho Real Madrid, các fan của Manchester United không vì thế mà ngoảnh mặt với MU để quay sang cổ vũ cho đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha.
Đến khi Beckham chuyển sang chơi cho Los Angeles Galaxy, coi như anh mất dấu hẳn trong bộ nhớ của người hâm mộ. Trong trường hợp này, tình cảm của một cổ động viên có khuynh hướng trung thành với một câu lạc bộ (có khi tiếp nối nhiều thế hệ) chứ không gắn bó với một cầu thủ cụ thể, dù cầu thủ đó có được yêu mến đến đâu.
Đó là một thực tế. Từ khi Mourinho đặt chân đến sân Stamford Bridge, số lượng cổ động viên của Chelsea tăng vọt, đặc biệt khi Mourinho biến đội bóng áo xanh thành Luân Đôn thành một thế lực ở nước Anh và ở cả châu Âu. Những fan của Chelsea hiển nhiên rất ngưỡng mộ Mourinho, coi ông là một phần của lịch sử Chelsea.
Nhưng khi Mourinho rời Chelsea qua Inter Milan rồi Real Madrid, đội ngũ những người ngưỡng mộ ông vẫn tiếp tục gắn bó với Chelsea. Và trong trường hợp bất khả kháng, khi Chelsea phải đối đầu với các đội bóng mới do Mourinho dẫn dắt, mặc dù trái tim xẻ làm đôi, cổ động viên của đội bóng áo xanh vẫn đứng về phía Chelsea để chống lại biểu tượng một thời của mình.
4. Một thực tế khác: nhiều người yêu Liverpool vì từng yêu thế hệ Owen, Gerrard, Murphy, Smicer, Berger... nhưng khi những cầu thủ con cưng này tan đàn xẻ nghé, họ vẫn trung thành và hết lòng cổ vũ đội bóng áo đỏ dù Liverpool hai mùa liên tiếp gần đây hết bị Tottenham đến bị Manchester City lần lượt đẩy văng khỏi tốp 4.
Tương tự, những cổ động viên gắn bó với Real Madrid vì lối chơi đẹp mắt và hào hoa của thế hệ Raul, Morientes, Hierro, Sanchis, Redondo, Suker, Mijatovic, Roberto Carlos dù hiện nay không hài lòng với chiến thuật phòng ngự của Mourinho cũng không vì vậy mà quay lưng với đội chủ sân Bernabeu.
Sự thủy chung vượt lên trên mọi thăng trầm của thành tích, mọi biến động của thời cuộc đó xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng yếu tố căn bản là tính truyền thống của một đội bóng. Truyền thống không phải là một khái niệm trừu tượng, đó là điều mà bất cứ ai liên quan đến đội bóng, từ lãnh đội, huấn luyện viên đến cầu thủ từ đời này sang đời khác luôn gìn giữ, nâng niu, bồi đắp và tự hào. Ở điểm này, sự chung thủy trong bóng đá rất gần với sự chung thủy trong tình yêu: Anh yêu em không kể giàu nghèo…
Đó cũng là thứ giá trị mà bóng đá Việt Nam hiện nay, tiếc thay không có!
CHU ĐÌNH NGẠN
Theo SGGP
0 nhận xét