Nhiều cây bút luôn tìm cách khơi gợi, đánh thức phần “hồn” trong xã hội nhưng cũng không ít người đã dành quá nhiều giấy mực và sự ưu ái cho phần “xác”
Năm nay, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 đến trong bối cảnh đất nước đang chống chọi với nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề đạo đức xã hội sa sút. Đây là hiện trạng không mới nhưng cũng khó gọi là cũ và không thể không báo động nếu nhìn vào chiều hướng phát sinh của nó.
Phóng viên Quang Liêm-Báo Người Lao Động-đang tác nghiệp. Ảnh: Hoàng Hùng
Cha đốt con, chồng đốt vợ là một trong những hiện tượng xã hội như vậy. Có nạn nhân đã chết nhưng cũng có người còn sống với đầy thương tật như một lời tố cáo mạnh mẽ nhất. Từ ngược đãi, bạo hành bằng tay chân, gậy gộc, dao rựa, người ta tìm đến những cách thức hành hạ mới tàn độc hơn.
Túng quẫn, say sưa, ghen tuông, bất lực có thể là những nguyên nhân trực tiếp nhưng khi đẩy vấn đề ra xa - nơi đang có nhiều cảnh đời đơn độc - chúng ta lại mường tượng có một nguyên nhân bao trùm mang tính xuất phát: Sự khô hạn phần “hồn” nơi con người; mà hồn ở đây chính là tâm hồn - tinh cốt của giáo dục, văn hóa và tình người. Bởi thực tế, không phải ai nghèo túng, ghen tuông, bất lực, thậm chí say rượu đều trở thành kẻ ác.
Mới tuần trước, câu chuyện về một vụ hôi của giữa ban ngày tại TPHCM khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nạn nhân - một người đàn ông - may mắn thoát khỏi 2 tên cướp tại một giao lộ đông đúc nhưng ngay tức khắc lại trở thành khổ chủ của nhiều người đi đường. Sau khi bị cướp hụt, giỏ đựng tiền của ông bị rách toạc và xấp tiền giấy bị cuốn bay theo gió. Khoảng vài chục người đã ùa vào lượm tiền bỏ túi mà chẳng thấy ai trả lại hoặc có một lời chia buồn cùng ông.
Đây là chuyện mới nhất, chứ không phải đầu tiên, về cách hành xử trơ trẽn và đầy nghịch lý ngay giữa một TP lớn! Tất nhiên, không quá khó để phác họa chân dung tinh thần những kẻ “chụp giựt” như thế - có người đáng trách thật nhưng cũng có người hành động như cái máy mà không đủ ý thức tự ngăn chặn.
Đó là sự thật có màu sắc bi kịch.
Có thể nói, những dạng thức mới của cái ác, cái xấu xuất hiện phản ánh sự khập khiễng của đời sống xã hội, nghĩa là phần “hồn” của đời sống đang chìm khuất dưới phần “xác” của nó. Nói cách khác, khuôn mặt tinh thần của con người thay đổi rất chậm so với diện mạo vật chất. Hãy nhìn xem, một người có thể bỏ ra vài chục triệu đồng để mua một chiếc xe mới nhưng nhân cách, tâm hồn của họ không nhờ đó mà tốt hơn, trừ phi họ bất chợt nhận ra rằng chiếc xe mình mua là kết tinh trí tuệ, văn hóa của các nhà khoa học và kỹ sư, vì thế mà tự nhủ cần phải sử dụng nó một cách đúng đắn nhất. Ngay cả trong những trường hợp con người có ý thức như vậy, sự cải thiện về mặt tinh thần cũng diễn ra chậm rãi. Chính đặc điểm này đòi hỏi cần có chiến lược xây dựng con người phù hợp, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa đời sống vật chất và tinh thần trong xã hội. Đó mới thật là hạnh phúc.
Là một bộ phận của xã hội, báo chí không chỉ phản ánh đời sống mà còn dự báo và đánh thức. Nhiều cây bút luôn suy tư, tìm mọi cách khơi gợi, đánh thức phần “hồn” trong xã hội, trong khi cũng không ít nhà báo, hữu ý hoặc vô tình, đã dành quá nhiều giấy mực và sự ưu ái cho phần “xác”, khiến độc giả bội thực, còn đối tượng được tán dương quá đáng thì ảo tưởng về giá trị của mình. Cái phần “xác” được “vỗ về” lớn như thổi kia cùng với những biến thái không lành mạnh và không kiểm soát được của nó đang đẻ ra không ít hệ lụy xã hội.
Người ta không thể hạnh phúc chỉ với cái bụng căng cùng các thú vui nhục dục, như cách nhà triết học Hy Lạp cổ đại Epicure mỉa mai: “Nếu sự no đủ vật chất là thước đo hạnh phúc thì bò là con vật hạnh phúc nhất”.
Cao Tuấn
Theo NLĐ
0 nhận xét