Bình phẩm là một trong những quyền tự do của mỗi người. Ai cũng có quyền bình phẩm, vấn đề là bình phẩm ở đâu, lúc nào và cấp độ nào mà thôi.
Bây giờ nhiều người bình phẩm khá tự do, thoải mái và cũng khá bỗ bã. Đến một phòng tranh trừu tượng vừa khai trương, mấy cô bá vai nhau, vừa xem vừa bình phẩm oang oang như không có ai xung quanh trừ “bọn mình”.
Một cô bảo: “Khiếp, tưởng thế nào chứ cứ nhằng nhịt rối loạn thế này tao cũng vẽ được”. Một cô khác hùa theo: “Đúng đấy, chả ra cái thể thống gì, cứ như bôi bẩn ấy”. Cô thứ ba bỗng nhiên kêu ré lên như chạm trán dã nhân trong rừng vắng: “Bức kia mới ghê, trông dã man luôn”. Cô thứ tư nhếch môi lên bảo: “Tranh xấu thật đấy, thế mà không hiểu tại sao họ cũng dám đem ra đây trưng bày nhỉ. Chả bằng thằng cháu nhà tao, nó mới 7 tuổi nhưng vẽ còn đẹp hơn, nó vẽ người nào ra người ấy, mũi ra mũi, mắt ra mắt. Đằng này chả đâu vào đâu”.
Cô thứ nhất kéo tay các bạn nói một cách quả quyết: “Đi ra ngoài kia ăn kem đi chúng mày, xem những thứ của nợ này làm gì cho mệt”. Nói rồi bọn họ kéo nhau ríu rít ra khỏi phòng triển lãm trước con mắt sửng sốt của người xung quanh. Và dĩ nhiên, chủ nhân của những tác phẩm tranh trừu tượng kia thì phải biến thành thỏi nước đá đứng lạnh ngắt ở một góc phòng. Trường hợp trên người ta rất hay gặp trong các cuộc triển lãm tranh.
Còn ở Bảo tàng dân tộc học cũng vậy, đôi trai gái kẹp tay nhau như hai đứa trẻ song sinh dính nhau đi khắp các phòng trưng bày. Đến chỗ nào họ cũng bình phẩm oang oang rằng cái này trông bẩn thế mà cũng đem vào đây trưng bày, cái kia chỉ là con dao cùn chứ có gì đâu, áo của dân tộc này sặc sỡ quá, quần của dân tộc kia hơi bị rộng, vòng bạc của dân tộc này thô không chịu được, nhà của dân tộc kia sao mà “mọi” thế...
Đỉnh cao của cuộc bình phẩm là khi hai anh chị kéo nhau ra khu trưng bày nhà mồ Tây Nguyên. Ở đấy cả anh lẫn chị đều xả hết cỡ lời bình phẩm của mình. Anh chỉ cho chị cái hình người đàn ông này, chị bĩu môi chỉ cho anh hình người đàn bà kia, rồi cùng lúc cả anh lẫn chị đều chỉ tay vào hình hai người đứng đối diện nhau và đều buông lời bình phẩm vừa cợt nhả, vừa phê phê lại vừa sắc sảo, sau đó cùng cười ngặt nghẽo với nhau.
Trong khi đó thì ở sau lưng họ là cả một đoàn khách nước ngoài đứng xem kỹ từng bức tượng với thái độ nghiêm túc, trân trọng đúng với tinh thần chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật. Bình phẩm là quyền của mỗi người, không ai có thể can thiệp vào. Nhưng ở cả hai trường hợp trên thì rõ ràng không thể chấp nhận được, bởi tự do quá, tùy tiện quá, khinh thường mọi người quá. Nói thẳng ra là chẳng có chút văn hóa nào cả.
Chúng ta sống tự do trong môi trường văn hóa, không phải cứ bạ nghĩ gì là nói ra, không phải chỗ nào cũng bình phẩm “chớt nhả” được.
Theo Văn Bình (Thế Giới Phụ Nữ)
0 nhận xét