Mossad, Cơ quan Phản gián Israel, là nghi phạm số 1 tiến hành chiến dịch ám sát các nhà khoa học dính líu đến chương trình hạt nhân bí mật của Iran. Nhưng không chỉ có Mossad
Sau khi 2 nhà khoa học hạt nhân Majid Shahriari và Fereydoun Abbasi bị ám sát ngày 29-11-2010, Tổng thống Iran Ahmadinejad lên tiếng tố cáo chính phủ các nước phương Tây và Israel “ném đá giấu tay”.
Mossad, CIA và MI6
Xung quanh vụ này, không cần ông Ahmadinejad lên tiếng, báo chí phương Tây cũng cho rằng Mossad là nghi phạm số 1. Tuần báo Mỹ Time dẫn lời một chuyên gia về tình báo phương Tây am hiểu kỹ thuật ám sát cho biết “dấu ấn của Mossad không lẫn vào đâu được”.
Trang tin trực tuyến Hayom của Israel nói rõ các vụ ám sát nằm trong chiến dịch tăng cường ám sát những kẻ thù của Israel của tướng Meir Dagan, lúc đó là Giám đốc Mossad. Dagan, người luôn chống chủ trương tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran, tin rằng chính sách “cắt đầu rắn” (ám sát các nhà khoa học hạt nhân) là thượng sách trong việc phá hoại chương trình hạt nhân của Iran.
Yossi Melman, bình luận viên của báo Israel Haa’retz, viết trên tờ The Independent của Anh: “Không có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng rõ ràng có bàn tay Israel trong vụ án này. Hầu hết các chuyên gia theo dõi chính sách Trung Đông và lịch sử Mossad đều công nhận điều này”.
Tướng Meir Dagan. Ảnh: Almanar
Melman còn nhận định rằng những vụ ám sát như thế là “một phần trong những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng tình báo Israel cùng với các đồng nghiệp phương Tây, như CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) và MI6 (Cơ quan Phản gián Anh), nhằm phá hoại, trì hoãn và ngăn chặn Iran đạt mục tiêu có được quả bom nguyên tử đầu tiên”.
Theo Melman, chuyện ám sát các nhà khoa học còn nhằm khủng bố các nhà khoa học khác và buộc họ phải xa lánh chương trình hạt nhân của Iran. Ngoài chuyện đó ra, Mossad cũng cho người trà trộn vào mạng lưới hậu cần của Iran, bán cho Iran những thiết bị dỏm khiến các dàn máy ly tâm làm giàu uranium của Iran luôn bị trục trặc.
Tờ Le Canard Enchainé của Pháp, dẫn nguồn tin tình báo Pháp, cũng nhận định rằng vụ ám sát 2 nhà khoa học Iran “do Israel thực hiện với sự giúp đỡ của CIA và MI6”. Trước đó, Israel đã thực hiện một vụ phá hoại ngoạn mục “cấy sâu máy tính Stuxnet vào 30.000 máy tính điều khiển các lò hạt nhân của Iran và gây ra nhiều vụ nổ hồi tháng 10-2010 giết chết 18 kỹ thuật viên Iran tại một nhà máy chế tạo tên lửa Shihab ở vùng núi Zagros”.
Dấu ấn Dagan
Theo tuần báo Đức Der Spiegel, chính sách ám sát các nhà khoa học hạt nhân đã được Israel triển khai mạnh mẽ từ thập niên 1970 với việc Mossad thành lập biệt đội sát thủ bí mật truy sát “những tên khủng bố và những người tham gia chế tạo WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt) hoặc cung cấp vũ khí này cho các nước thù địch với Israel”. Với mục tiêu khủng bố, Mossad đã ám sát một loạt thủ lĩnh Palestine thuộc phe Hamas, Fatah và Hizbollah từ thập niên 1970 đến thập niên 1980.
Khi Iran tiến hành chương trình hạt nhân bí mật, Mossad áp dụng chính sách “cắt đầu rắn” nhắm vào các nhà khoa học dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp vào chương trình hạt nhân Iran mà đáng kể nhất là cái chết bí ẩn của tiến sĩ Ardeshire Hassanpour – đồng sáng lập viên Trung tâm Công nghệ Hạt nhân ở Istafan - năm 2007 do “ngộ độc gas” nhưng theo nguồn tin tình báo phương Tây là một ca đầu độc bằng phóng xạ.
Tuần báo Der Spiegel, số đặc biệt về biệt đội sát thủ bí mật của Mossad. Ảnh: TL
Kể từ ngày tướng Dagan tập trung vào cuộc chiến thầm lặng chống chương trình hạt nhân của Iran, Mossad đã gây cho Iran nhiều tổn thất đáng kể. Từ năm 2004 đến 2008, dự án làm giàu uranium gặp hàng loạt sự cố nghiêm trọng. Một chuyên gia về hạt nhân bỗng dưng mất tích, 2 chiếc máy bay vận tải chở hàng cho dự án đâm đầu xuống đất và 2 phòng thí nghiệm bốc cháy.
Tháng 7-2007, xảy ra một vụ cháy nổ bí ẩn tại một nhà máy liên doanh Iran-Syria chế tạo tên lửa tại Al Safir, Syria. Dây chuyền sản xuất tên lửa Scud mang đầu đạn bị hư hỏng nặng, nhiều kỹ thuật viên chết.
Hội đồng Kháng chiến quốc gia
Mossad, CIA hay MI6 không phải là những nghi phạm duy nhất trong những vụ ám sát chính trị ở Iran. Sasan Fayazmanesh, giáo sư danh dự Khoa Kinh tế Đại học California State, cho biết đứng đằng sau vụ ám sát 2 nhà khoa học Iran nói trên có thể là tổ chức Mujahedeen Khalq-e Iran (MEK) còn có tên khác là Hội đồng Kháng chiến quốc gia.
Hai ngày sau khi vụ án xảy ra, hãng tin Sinh viên Iran (ISNA) đưa tin MEK thừa nhận đã “đóng một vai trò” trong vụ ám sát nói trên, dựa theo tài liệu của MEK đăng trên trang web “Trung tâm Habilian”, một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng ở Iran. Cùng ngày, hãng tin AP, dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Iran, đưa tin Israel dùng thành viên của MEK để thực hiện 2 vụ ám sát bằng bom điều khiển từ xa.
Theo giáo sư Fayazmanesh, mặc dù khó xác nhận 2 nguồn tin trên, ai cũng biết MEK từng cộng tác với Israel. MEK cũng từng thực hiện nhiều vụ đánh bom và ám sát người của chính phủ trong những năm sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Đặc biệt, sau vụ ám sát 2 nhà khoa học Iran, 6 hạ nghị sĩ Mỹ đồng ký tên vào thư ngỏ đề nghị Ngoại trưởng Hillary Clinton xóa tên MEK trong danh sách tổ chức khủng bố quốc tế mà Mỹ duy trì từ những năm trước. Động thái này khiến người ta càng nghi ngờ có bàn tay của MEK trong vụ sát hại 2 nhà khoa học Iran để lấy lòng Washington bởi Mỹ ủng hộ ngầm chủ trương “cắt đầu rắn” của Mossad.
NGUYỄN CAO
NLĐ
0 nhận xét