Tuần vừa qua được ghi nhận là “thời điểm bản lề” trong tiến trình nỗ lực vì an ninh lương thực trên thế giới. Hàng loạt sự kiện và cam kết liên quan đã được tuyên bố, mở ra tín hiệu tích cực đối với thị trường lương thực toàn cầu.
Nông dân Ấn Độ tranh thủ những phiên chợ chiều để đưa nông sản đến người dùng. Ảnh: AFP |
Những thỏa thuận khả quan
Giữa tuần qua, nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi G20 nhóm họp ở Paris (Pháp) để bàn về các biện pháp đối phó với giá lương thực biến động. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước đã nhất trí việc siết chặt quy định thị trường nhằm hạn chế nạn đầu cơ, nguyên nhân chính dẫn đến mối lo khủng hoảng giá lương thực trong thời gian gần đây. Cụ thể, các bộ trưởng ủng hộ việc thành lập một hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp quốc tế (AMIS), thiết lập cơ chế phản ứng nhanh, mở đường để G20 có thể phản ứng kịp thời khi xảy ra biến động bất lợi về mùa màng hoặc giá lương thực.
Một quyết định quan trọng liên quan trực tiếp đến đầu ra của các sản phẩm lương thực là miễn trừ thuế hoặc dỡ bỏ những hạn chế xuất khẩu đối với những chương trình viện trợ lương thực nhân đạo, song song đó là cam kết kiểm soát biến động giá lương thực. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire đánh giá những thỏa thuận đạt được là một bước tiến lớn trước cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack nhấn mạnh, nếu được thực hiện triệt để chương trình AMIS và cơ chế phản ứng nhanh, khả năng hạn chế biến động trên thị trường nông sản là rất cao.
Các nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận trên đánh dấu sự thay đổi lớn của Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia vốn trước đây không sẵn sàng chia sẻ những thông tin liên quan đến thị trường nông nghiệp quốc gia vì những e ngại ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Riêng Nga, quốc gia trong năm qua có ngành sản xuất ngũ cốc bị thiệt hại nặng nề thiên tai, Thủ tướng V.Putin cuối tuần qua cho biết, Nga có khả năng thu hoạch khoảng 85-90 triệu tấn ngũ cốc, khôi phục lại vị thế cường quốc ngũ cốc trong năm nay. Trong đó, khoảng 15 triệu tấn sẽ được dành để xuất khẩu.
Nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ngũ cốc, Chính phủ Nga quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp khuyến nông như dành gần 4,7 tỷ USD trong năm 2012 để hỗ trợ Tổ hợp nông-công nghiệp bên cạnh khoản hỗ trợ gần 11,5 tỷ USD trong các năm 2010 và 2011 cho nông dân.
4 tỷ USD bình ổn giá lương thực
Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng JP Morgan (JPM) của Mỹ đã bắt tay khởi động công cụ tài chính mới với số vốn ban đầu 4 tỷ USD để giúp bình ổn giá lương thực trên toàn cầu. Đây được xem là việc thực thi lời cam kết của Bộ trưởng các nước G20 tại hội nghị ở Paris vừa qua.
Nhiều chuyên gia kinh tế gọi đây là biện pháp quản lý rủi ro về giá nông sản, nhằm khuyến khích các công ty sản xuất lương thực ở các nước đang phát triển mua bảo hiểm ở các thị trường phái sinh để đề phòng những biến động đột ngột về giá lương thực.
Ở giai đoạn đầu, WB cam kết tài trợ 200 triệu USD, JPM cũng tuyên bố góp vào khoản tiền tương đương. Số còn lại sẽ được vận động từ các ngân hàng và tổ chức tài chính khác trên toàn cầu.
Theo Chủ tịch WB Robert Zoellick, chương trình này nhằm vào khu vực tư nhân của các nước đang phát triển, bao gồm các hợp tác xã nông nghiệp và các công ty chế biến nông sản. Chương trình sẽ được áp dụng trước tiên ở khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á, “địa bàn” chủ lực của JPM. Giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ được mở rộng đến châu Phi và Trung Đông.
Như Quỳnh
SGGP
0 nhận xét