Ủy hội sông Mekong (MRC), với các thành viên Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào, sẽ nhóm họp vào hôm thứ Ba 19/04 tại Vientiane để bàn cách xử lý dự án đập thủy điện Xayaburi mà Lào dường như đang triển khai.
Theo thỏa thuận ký năm 1995, bốn nước thành viên MRC nhất trí tham vấn lẫn nhau khi mỗi nước lên kế hoạch xây đập.
Thỏa thuận không có tính ràng buộc này có nghĩa rằng không nước nào có thể phủ quyết các kế hoạch của những nước khác.
Trung Quốc, quốc gia không tham gia MRC, đã xây ba con đập tại một số khúc ở thượng nguồn Mekong nằm ngoài Đông Nam Á, bất chấp lời phản đối từ chính phủ tại các nước ở hạ nguồn, The Wall Street Journal đưa tin trong bài báo ngày 18/04.
Nếu không có phù sa do xây đập thì nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng, chưa kể xói lở bờ sông và vùng ven biển đồng bằng
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ
Nhu cầu dùng điện của hai quốc gia này dự kiến sẽ tăng 6%-7% vào năm 2025 và cả hai nước đều chưa có nhà máy điện hạt nhân.
Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của cả Thái Lan và Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ngưng trệ do biến cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản gần đây.
Và điều đó có nghĩa là thủy điện đã, đang và sẽ vẫn là giải pháp dễ thực hiện.
Thái Lan, nơi dự kiến sẽ mua đa phần điện của dự án đập Xayaburi, đang tìm hậu thuẫn quốc tế để bật đèn xanh cho dự án đập thủy điện Xayaburi.
Báo Thái Lan đưa tin có công ty nước họ tham gia xây thủy điện Xayaburi mà chi phí lên tới 3,5 tỷ đô la Mỹ.
Hãng thông tấn AP ngày 8/04 có bài nói các nhà hoạt động môi trường Thái sẵn sàng khiếu kiện thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva ra tòa nếu ông không phản hồi lại thư phản đối dự án mà dân cư sống dọc sông Mekong ở Thái Lan gửi tới ông.
Cùng lúc, một biên tập viên của BBC Tiếng Trung tại London cho hay rằng trong khoản tiền lớn mà Lào bỏ ra để xây đập một phần nhiều "chắc chắn là đến từ Trung Quốc".
Trước đó, dự án xây đập Cảnh Hồng (Jinghong) ở đầu nguồn Mekong của Trung Quốc có có công suất 1750 MW đã bị nhiều chỉ trích từ giới bảo vệ môi sinh
'Ảnh hưởng lớn'
Trong khi đó Việt Nam muốn trì hoãn dự án này khoảng 10 năm để có đánh giá đúng mức về tác động theo như lời Tiến sĩ Lê Anh Tuấn từ khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên của Đại Học Cần Thơ.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ ngày 18/04, Tiến sĩ Tuấn mô tả ảnh hưởng về môi trường đối với các loài cá nước ngọt, phù sa là rất nhiều.
“Hầu hết các loài cá trên sông Mekong là cá di cư, tới mùa sinh sản cá di cư từ hạ lưu lên thượng lưu, và việc xây đập có nghĩa là làm cản trở cho môi trường sống của các loài cá và có thể dẫn tới tiệt chủng”.
“Đồng bằng sông Mekong sống phần lớn nhờ vào phù sa, và nếu không có phù sa thì nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng, chưa kể xói lở bờ sông và vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long”, Tiến sĩ Tuấn nói.
Jonathan Watts, phóng viên môi trường Châu Á của báo Anh The Guardian hôm 18/04 viết trên blog rằng liên minh gồm 263 tổ chức phi chính phủ (NGO) đã gửi một thư chung tới thủ tướng Lào Thongsing Thammavong thúc giục ông bỏ dự án nhưng không nhận được phản hồi nào.
Phóng viên này nói là họ nên gửi thư tới thủ tướng Thái Lan, là nước được hưởng lợi nhiều nhất nếu dự án được triển khai, thay vì gửi cho thủ tướng Lào.
Một nghiên cứu do MRC thực hiện được công bố vào năm ngoái nói rằng các con đập nếu được xây sẽ “làm tổn hại cơ bản về mức trù phú, đa dạng của khả năng sinh sản tài nguyên cá” làm ảnh hưởng tới hàng triệu người và gây tổn hại tới hoạt động canh tác cũng như đe dọa nguồn lương thực.
0 nhận xét