Về hình thức, việc tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị thua kiện 800.000 USD chỉ là thua thiệt thương mại bình thường. Chỉ có điều, những người trong ngành hàng hải thấy khó tin việc Vinalines lại có thể “thỏ non” đến mức thua “lấm lưng trắng bụng” như vậy!
Chuyện chỉ đơn giản như sau: con tàu Vinalines Global có trọng tải 73.350 DWT – đóng năm 1994 tại Nhật – là một trong những tàu trọng tải lớn nhất Việt Nam. Tàu do chi nhánh Vinalines TP.HCM khai thác. Chi nhánh này ký hợp đồng cho thuê định hạn tàu Vinalines Global (tên đối tác thuê và chi tiết hợp đồng chưa công bố). Tuy nhiên, đến thời điểm phải chuyển tiền thuê tàu thì đối tác vẫn bặt tăm, mà tàu của Vinalines TP.HCM thì đang cưỡi sóng trên biển bởi... đối tác. Không có nhà kinh doanh nào chấp nhận cảnh “thả gà ra đuổi” và Vinalines TP.HCM cũng không là ngoại lệ. Biện pháp “bạn chây ì không trả tiền thuê tàu thì tớ giữ hàng của bạn” là phương án cuối cùng mà Vinalines TP.HCM “cực chẳng đã” phải thực hiện.
Vinalines Global là tàu chở hàng khô có trọng tải lớn nhất nước.
Trong thương mại hàng hải quốc tế, giữ hàng để đối tác buộc phải trả tiền thuê tàu không phải là chuyện “xưa nay hiếm” và Vinalines hẳn đã chắc mẩm với chiêu giữ hàng này, đối tác buộc phải “tòi” ra tiền thuê tàu thôi. Phương án đòi tiền kiểu này của Vinalines TP.HCM xem ra không sai nhưng chẳng hiểu thực hiện thế nào mà cuối cùng, Vinalines lại bị quật ngược dẫn tới việc tiền cho thuê tàu không đòi được, lại còn bị mất thêm 800.000 USD! Hóa ra, số hàng hóa mà Vinalines giữ lại không phải của phía đối tác thuê tàu. Đối tác này đã cho một chủ hàng khác thuê lại tàu và vị chủ hàng kia đã trả tiền cước đầy đủ trước khi tàu cập cảng. Vinalines TP.HCM bị kiện về tội giữ hàng trái phép. Sau nhiều lần thương thuyết, cuối cùng, Vinalines TP.HCM đã phải chấp nhận bồi thường cho chủ hàng nói trên 800.000 USD!Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh hàng hải cho rằng, Vinalines TP.HCM không “thỏ non” đến mức giăng “thòng lọng” để rồi lại tự mình đưa cổ vào. Theo lý giải của chuyên gia này, trước một đối tác có ý định “bùng” tiền thuê tàu thì phương án “thu tiền” thường phải được xây dựng hết sức tỉ mỉ, cẩn thận. Trong quá trình ấy, thông tin chính là vấn đề quyết định, vậy nên, thật khó hiểu khi Vinalines TP.HCM lại thiếu thông tin đến mức không biết đối tác thuê tàu của mình đã cho người khác thuê lại tàu để cứ thế “đè” ra giữ hàng của người xa lạ!
Ông Nguyễn Cảnh Việt, tổng giám đốc Vinalines, khẳng định: Vinalines TP.HCM đã chấp nhận thua kiện và chuyển 800.000 USD trả cho chủ hàng để “giải phóng” tàu Vinalines Global theo phán quyết của tòa án Trung Quốc. Đấy là cái giá phải trả không rẻ cho kiểu làm ăn quá non kinh nghiệm? 800.000 USD mất thì đã mất rồi nhưng câu hỏi còn lại mới thật là đau đầu: liệu đã và sẽ có bao nhiêu kiểu mất tiền như Vinalines TP.HCM đã mất; và sau cú gậy ông đập lưng ông này, liệu Vinalines TP.HCM có khởi kiện và thắng kiện được đối tác đã thuê tàu của mình không?
Khi chúng tôi điện thoại xin làm việc với ông Dương Chí Dũng, chủ tịch hội đồng thành viên của Vinalines, về vấn đề này, ông Dũng giật mình hỏi lại: “Có việc đó à, tôi chưa thấy ai báo cáo!”
Không biết Vinalines sẽ “rút kinh nghiệm” thế nào sau vụ việc nói trên và liệu có cá nhân nào sẽ bị quy trách nhiệm về việc để mất 800.000 USD nếu đối tác thuê tàu vẫn “bóng chim, tăm cá” nhưng với xã hội, sau vụ mất tiền lãng nhách này, nhiều người biết sẽ khó mà không hoài nghi về thành công của mục tiêu “bơi ra biển lớn” và trở thành tập đoàn hàng hải mạnh trong khu vực của Vinalines!
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
0 nhận xét