Bộ Luật Hình sự quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội thì tòa án buộc phải tuân thủ, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại hay bức xúc của dư luận xã hội
Thời gian gần đây, trong cả nước xảy ra nhiều vụ trọng án đe dọa đến trật tự xã hội và an toàn pháp lý của người dân như giết người, cố ý gây thương tích… với những hành vi mang tính côn đồ, tàn bạo, trong đó nhiều kẻ phạm tội là trẻ vị thành niên. Sau khi vụ án giết người, cướp tiệm vàng xảy ra tại Bắc Giang, lực lượng công an đã sớm bắt được Lê Văn Luyện - kẻ được coi là thủ ác chính trong vụ án này.
Không chỉ là mức án
Trước hành vi phạm tội man rợ của Lê Văn Luyện, trong cuộc gặp ngày 1-9 với lãnh đạo Bộ Công an, gia đình nạn nhân hết sức phẫn nộ và yêu cầu phải xử kẻ phạm tội ở mức cao nhất của điều luật là tử hình. Cùng với dư luận, đó là một đòi hỏi chính đáng, thể hiện sự phản ứng đối với cái ác đang gây nhức nhối trong xã hội. Bên cạnh việc khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, vấn đề xem xét đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội trong vụ án này cần được đặt ra.
Tiệm vàng Ngọc Bích, nơi nghi can Lê Văn Luyện sát hại 3 mạng người. Ảnh: Nguyễn Quyết
Theo Nghị quyết 02 ngày 5-1-1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cách tính tuổi do luật quy định là “đủ 14 tuổi” hoặc “đủ 16 tuổi” để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự, tức là tính theo tuổi tròn. Trong trường hợp không có điều kiện xác định được chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sinh và nếu cũng không có điều kiện xác định chính xác tháng sinh thì xác định ngày sinh là 31-12-năm sinh. Theo điều 68 Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 1999, người chưa thành niên là người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trong vụ án này, nếu ngày sinh của Lê Văn Luyện được thể hiện đúng vào 16-10-1993 thì đến ngày gây án 24-8-2011, Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi, thuộc trường hợp người chưa thành niên phạm tội.
Sở dĩ trường hợp Lê Văn Luyện có thể không phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình, bởi từ BLHS năm 1985 đến 1999 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đều dành một chương riêng quy định về chính sách và đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Mặt khác, một trong các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại điều 69 BLHS (được sửa đổi năm 2009) là: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội...”.
Để hạn chế những vụ tương tự…
Nhìn từ góc độ tội phạm học và quan điểm của các nhà làm luật, lứa tuổi vị thành niên còn hạn chế về nhận thức, chưa đủ khả năng để cân nhắc hành vi của mình, còn thiếu kinh nghiệm xã hội và dễ bị ảnh hưởng bởi tác động môi trường xấu bên ngoài. Do đó, khi quyết định hình phạt đối với tội phạm nói chung, tội phạm do người chưa thành niên phạm tội nói riêng đòi hỏi phải đạt được mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới.
Tuy nhiên, do quyết định hình phạt là một khâu quan trọng trong quá trình áp dụng pháp luật nên khi xử lý một hành vi tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật hình sự của nước ta, trong đó có nguyên tắc pháp chế và nguyên tắc nhân đạo XHCN. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi khi quyết định hình phạt, tòa án phải căn cứ vào các quy định của BLHS. Nếu BLHS đã quy định không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội thì tòa án buộc phải tuân thủ, không phụ thuộc vào ý chí của người bị hại hay bức xúc của dư luận xã hội. Trong khi đó, nguyên tắc nhân đạo XHCN không chỉ thể hiện chính sách nhân đạo, mang tính khoan hồng của Nhà nước mà còn đặt mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội lên hàng đầu. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc tất cả những khía cạnh liên quan đến nhân thân, những đặc điểm tâm sinh lý, cũng như nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh của người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ để có một quyết định hình phạt vừa bảo đảm mục đích trừng trị, giáo dục và cải tạo người phạm tội vừa góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đang hết sức nóng bỏng hiện nay.
Bên cạnh đó, vấn đề dư luận đang quan tâm là Nhà nước cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm nhận diện những yếu tố tác động từ những biến đổi kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay đến quá trình phát sinh những hành vi tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đến lối sống, tâm lý, sinh hoạt… của một bộ phận thanh niên đang bị dịch chuyển theo hướng tiêu cực. Chỉ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp lãnh đạo và những thiết chế quyền lực và quản lý thật sự coi trọng, dành toàn lực sức mạnh của bộ máy cưỡng chế nhằm bảo vệ sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của người dân và hoàn thiện môi trường pháp lý, phát huy sức mạnh tổng hợp của các chủ thể xã hội, bảo đảm cho doanh dân được sống và làm việc theo pháp luật… thì mới có khả năng từng bước hạn chế, đi đến loại trừ dần những hành vi phạm tội man rợ như vụ án Lê Văn Luyện vừa xảy ra.
Nguyên tắc nhân đạo XHCN không chỉ thể hiện chính sách nhân đạo, mang tính khoan hồng của Nhà nước mà còn đặt mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội lên hàng đầu. |
Tiến sĩ - Luật sư Phan Trung Hoài
Theo NLĐ
0 nhận xét