Những trò lố mang tên “cán bộ quan chức” mặc dù gây bức xúc trong dư luận nhưng lại ít khi bị xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe mà thường là “đóng cửa bảo nhau” theo hướng giơ cao đánh khẽ. Để rồi hậu trò lố này lại tiếp tục những trò khác, bi hài hơn.
Giơ cao, đánh khẽ
Giơ cao, đánh khẽ
Lại xuất hiện thêm những thiệp cưới ghi rõ họ tên, chức danh cán bộ công chức |
Những ồn ào xung quanh vụ quan chức ghi tên và chức danh lên thiệp mời cưới con chưa kịp lắng xuống thì chiều 22/9/2011, một cán bộ công tác ở Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ tiếp tục sử dụng “độc chiêu” này. Có thể thấy, đây là một ví dụ sinh động, thực tế nhất cho cái sự tiếp diễn của "những trò lố" trong cán bộ công chức. Một khẳng định chắc chắn rằng, nếu những sai phạm của các cán bộ, công chức được xử lý đến nơi đến chốn, sẽ không hoặc rất ít có thêm những thiệp mời cưới con mà lại trang trọng ghi tên và chức danh của cha như vậy.
Trước đây, ông phó ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng với kiểu mời cưới này đã hoan hỉ với gần trăm mâm cỗ kín khách và sau đó, cũng nhận kỷ luật đấy nhưng chỉ nhẹ nhàng là cảnh cáo thôi. Tiền lệ ấy phải chăng đã giúp cho vị cán bộ của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy có thêm “động lực” thực hiện lại chiêu mời cưới lố bịch này?.
Vụ án mạng từng gây xôn xao dư luận mà nạn nhân là cố nhà báo Hoàng Hùng cũng có ít nhiều liên quan đến một vị cán bộ ngành quản lý thị trường tỉnh Long An. Vị cán bộ này từng cùng vợ của nạn nhân sang Campuchia đánh bạc, căn nguyên dẫn đến vụ án mạng đau lòng. Thế nhưng đã nhiều ngày tháng trôi qua, cho đến thời điểm này, vị cán bộ tai tiếng ấy vẫn hàng ngày đến cơ quan “uống nước trà” mà chưa có một hình thức điều chuyển công tác nào.
Không ít lần, báo chí đưa tin về những vụ quan chức, cán bộ một số địa phương hoặc xà xẻo tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho dân nghèo, hoặc găm giữ, chi sai mục đích hàng tỷ đồng tiền cứu trợ lũ lụt…Hậu những sai phạm ấy, đa phần vẫn lặp lại những điệp khúc: Nhận khuyết điểm – Khiển trách, cảnh cáo một cách "nghiêm khắc".
Tái diễn kiểu xử lý sai phạm theo tâm lý “người trong nhà, đóng cửa bảo nhau” như trong đời sống xã hội hiện nay, đã và đang tạo tiền lệ xấu cho những sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước. Nguy hại hơn, việc xử lý sai phạm không nghiêm sẽ dẫn đến những bất ổn trong đời sống xã hội.
“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”
Đã từng xảy ra vụ người nhà bệnh nhân bất bình bởi cán bộ y tế (ảnh mang tính chất minh họa) |
Liên tục trên các phương tiện truyền thông, thông tin về những vụ cướp của, giết người, côn đồ hoành hành, chỗ này ông quan nhũng nhiễu, chỗ kia cán bộ cửa quyền…được đăng tải. Báo chí chẳng thể sáng tác ra những vụ việc ấy, báo chí chỉ làm đúng chức năng phản ánh và đó là một “mảng tối” của xã hội. Căn nguyên của thực tế ấy, không thể phủ nhận là sự thiếu nghiêm minh trong xử lý sai phạm và pháp luật ở một góc độ nào đó thiếu đi tính răn đe, giáo dục.
Từ thực tế cuộc sống và xã hội đã cho thấy: Phàm là một người trên, người có vai vế là trụ cột trong một gia đình mà ăn ở không chính trực hoặc phẩm chất đạo đức hư hỏng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cháu, đến mọi người trong nhà. Thành ngữ Việt Nam có câu: "Dột từ nóc dột xuống" - Người trên mà hư hỏng thì lớp dưới coi thường. Khuôn phép gia phong không nghiêm, luân thường đạo lý mai một. Trong một nhà mà ông bà, cha mẹ hư hỏng thì khó mà có được con cháu tử tế nên người, khó mà có được nếp sổng đầm ấm thuận hoà. Cái triết lý giản đơn ấy, muôn đời nay vẫn đúng và chuẩn xác hơn khi soi chiếu vào những sai phạm của một số quan chức, cán bộ.
Gia đình còn là tế bào của xã hội sự việc tốt xấu tránh sao khỏi ảnh hưởng đến cộng đồng. Hơn nữa, nhân dân ta thường nói "Tề gia mới trị quốc, trong nhà mà còn lộn xộn thì nói chi đến việc đóng góp vào Quốc kế, Dân sinh...
Trong xã hội mà người trên không chính trực, làm bậy thì kỷ cương mất nghiêm, người cấp dưới sẽ khinh nhờn. "Bởi trên ở chẳng chính ngôi-cho nên kẻ dưới chúng tôi hỗn hào" (ca dao). Từ đó mà sinh ra lòng tà: Tham nhũng. cửa quyền quan liêu, hà áp thường dân, gây lền lòng thất tín, gây phẫn nộ,làm đảo lộn kỷ cương. "Tức nước vỡ bờ"... quá trình phát triển xã hội đã cho thấy: Người có trọng trách, cầm cán cân công lý trong xã hội mà không công minh chính trực thì dân tình rối loạn. Đó là điều tất yếu sẽ xảy ra .
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã dạy: “Muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém…”. Tư tưởng xuyên suốt của Bác là mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Cán bộ, Đảng viên phải dấn thân, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân. Người căn dặn cán bộ, Đảng viên phải trau dồi cả Tài lẫn Đức...Cái lố ở đây có thể không có trong điều luật nào quy định xử phạt hay xử tội, nhưng nó thể hiện cái kém trong chữ Đức của người cán bộ
Thực tế xã hội như một sự phản chiếu về lời dạy của Bác. Tham nhũng, vơ vét, sai phạm trong cán bộ đảng viên vẫn còn bởi vì ren đe không nghiêm. Thậm chí có người “ăn” cả tiền cứu đói cho dân, rồi tham nhũng bao che cho nhau…tất cả là hệ quả tất yếu của sự thiếu nghiêm minh.
Theo VnMedia
0 nhận xét