Tại cuộc họp ở Dushanbe giữa lãnh đạo các nước Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Nga, đại diện Moscow khẳng định, liên quân rút khỏi Afghanistan sẽ dẫn đến một thảm họa an ninh tại Nga và Trung Á.
Quả thực, các phần tử Hồi giáo cực đoan, sau khi thắng lợi tại Afghanistan sẽ thừa thắng xông lên để gia tăng tầm ảnh hưởng tại các quốc gia lân cận. Thêm vào đó, sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền các quốc gia Trung Á ở phía Bắc khiến nơi đây dễ dàng trở thành thánh địa cho khủng bố. Chưa hết, sự đói nghèo và xung đột sắc tộc tại Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan cũng tạo cơ sở cho các nhóm cực đoan hoạt động.
Nhằm chặn đứng các mối đe dọa này, Moscow đang nuôi hi vọng lợi dụng Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) để hợp thức hóa các nỗ lực can thiệp quân sự để dập tắt xung đột ngay từ giai đoạn đầu.
Do đó, Moscow nỗ lực thúc đẩy xây dựng một lực lượng phối hợp triển khai nhanh trong CSTO với sự góp mặt của Nga, Berlarus, Armenia, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Uzbekistan.
Mới đây vấn đề này cũng được Tổng thống Belarus tận dụng khai thác nhằm phục vụ lợi ích cá nhân khi đề xuất lên Tổng thư ký CSTO Nikolai Bordyuzha về việc thành lập lực lượng triển khai nhanh để dẹp loạn trong các quốc gia thành viên.
“Lực lượng phản ứng nhanh này nên được triển khai để ổn định an ninh không chỉ trong trường hợp các nước bên ngoài CSTO tấn công các thành viên của tổ chức mà còn để xử lý các vụ giao tranh ngay giữa các thành viên CSTO với nhau”, ông Lukashenko nhấn mạnh.
Nếu đề xuất của ông Lukashenko được chấp nhận thì CSTO sẽ hành động như một lực lượng cảnh sát chung cho tất cả các nước Cộng hòa thuộc khối Liên Xô cũ và về mặt lý thuyết, ông Lukashenko sẽ có quyền triệu tập lực lượng an ninh của Nga nhằm trấn áp các cuộc biểu tình chống lại chế độ của ông.
Gánh nặng an ninh mà Mỹ và NATO bỏ lại tại Trung Á đang đè nặng lên vai Nga. |
Tuy nhiên, mong muốn của ông Lukashenko cũng như của Nga khó có thể trở thành hiện thực. Thứ nhất, chấp nhận tham gia vào lực lượng quân sự chung này đồng nghĩa với các lãnh đạo tại khu vực Trung Á phải thừa nhận về sự yếu kém của mình. Ngoài ra, khi gia nhập lực lượng chung, các quốc gia Trung Á phải hy sinh một phần chủ quyền của mình và không còn độc lập trong việc đảm bảo an ninh quốc gia.
Moscow Times đưa ra một giải pháp được cho là duy nhất, đó là Nga phải đưa vấn đề can thiệp quân sự của mình ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, với hy vọng có được sự hợp pháp cho hành động của mình. Đây cũng là quan điểm Nga luôn khẳng định mỗi khi Mỹ hay NATO thực hiện các chiến dịch quân sự tại các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Nga nên đề xuất rằng, Mỹ và NATO sẽ chịu trách nhiệm chính đối với những gì xảy ra tại Trung Á bất chấp việc họ đã rút quân khỏi Afghanistan bởi Moscow phải chấp nhận thực tế rằng, Nga và các quốc gia Trung Á không có đủ thực lực để đảm bảo an ninh khu vực.
Vì vậy, một chiến lược an ninh mở rộng tại Trung Á sau khi liên quân rút khỏi Afghanistan là thực sự cần thiết và nhất quyết phải có sự hợp tác của phương Tây, thay vì sự đối đầu.
Vì vậy, một chiến lược an ninh mở rộng tại Trung Á sau khi liên quân rút khỏi Afghanistan là thực sự cần thiết và nhất quyết phải có sự hợp tác của phương Tây, thay vì sự đối đầu.
Tuy nhiên, dường như điện Kremlin đang hành xử theo cách khác. Nga có vẻ như muốn loại bỏ sự tham gia của phương Tây trong vấn đề bình ổn khu vực Trung Á.
Tổng thống Medvedev từng khẳng định quan điểm này trong bài phát biểu của mình. “Về lâu dài, trách nhiệm an ninh tại khu vực là của Nga, Tajikistan, Pakistan và Afghanistan. Dù một số đối tác đang giúp giải quyết nhiều vấn đề trong khu vực có ý nghĩa khá quan trọng nhưng dẫu sao họ cũng vẫn chỉ là người ngoài”, ông chủ điện Kremlin khẳng định.
Moscow Times nhận định, những người ngoài mà ông Medvedev muốn ám chỉ dường như là Mỹ và các đồng minh châu Âu. Theo tờ báo này, rất có thể “những người ngoài” này sẽ rất vui khi thoát khỏi gánh nặng Afghanistan và quên đi những thất bại thảm hại trong nỗ lực xây dựng một nhà nước dân chủ tại quốc gia này, để lại Nga với những khó khăn muôn vàn.
Vì vậy, Moscow Times nhấn mạnh, tốt hơn hết Nga nên tìm mọi cách, có thể là phải hy sinh lợi ích chiến lược của mình như từ bỏ tham vọng trở thành một cường quốc thực sự tại khu vực Trung Á để thuyết phục Mỹ và NATO cùng hợp tác trong nỗ lực đảm bảo an ninh khu vực.
0 nhận xét