Nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động băn khoăn: Pháp luật hình sự hiện chưa thật chặt chẽ, để tội phạm nhí nảy nở và xuống tay tàn độc hơn ?
Trong vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang, Lê Văn Luyện khai đã tước đoạt 3 mạng người và chém trọng thương một người khác. Y gây tội khi chưa đầy 18 tuổi và theo BLHS, có thể về sau sẽ thoát án tử hình. Điều này đang dấy lên những suy nghĩ trái chiều trong dư luận.
Đòi hỏi công bằng
Bạn đọc Hoàng nhận xét đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài 3 mạng người, cháu Bích (con của vợ chồng chủ tiệm, bị Luyện chém đứt tay) sẽ bị tổn thương lâu dài cả về thể xác lẫn tinh thần. “Nỗi đau ấy chắc chắn sẽ ám ảnh cả đời cháu Bích. Thật bất công nếu hung thủ chỉ bị 18 năm tù. Tôi mong pháp luật hãy xử nghiêm minh” - bạn đọc Hoàng viết. Bạn đọc Vũ Huy Dung (Hà Nội) cũng đặt vấn đề: “Nếu chỉ vì chưa đủ tuổi thành niên mà không tuyên phạt án tử hình đối với kẻ thủ ác thì chưa công bằng? Giết người, cướp của, ngay cả đứa bé 18 tháng tuổi mà Luyện cũng chém chết thì làm gì phải “nhân đạo” với kẻ ấy. Khoan hồng cho hắn làm gì?”.
Pháp luật nước ta luôn áp dụng chính sách nhân đạo với tội phạm vị thành niên, chú trọng yếu tố răn đe, giáo dục hơn là trừng phạt. Tuy nhiên, đối với những trường hợp gây tội “thảm sát” như Lê Văn Luyện mà không bị xử lý nghiêm thì tinh thần “pháp trị” sẽ vơi giảm. Bạn đọc Đào Văn Hưng cho rằng nếu không tử hình tên sát nhân thì coi chừng sẽ tạo hiệu ứng ngược, tội phạm nhí sẽ nhờn luật, giết người mà không sợ phải đền tội.
Bạn đọc Công Lý lo lắng: “Hiện nay, tội phạm vị thành niên xuất hiện ngày càng nhiều, chúng coi trời bằng vung, ra tay rất tàn bạo. Chỉ vì những xích mích nhỏ là sẵn sàng lao vào đâm chém ngay”. Bạn đọc Nguyễn Minh Đức kiến nghị cần phải bổ sung, sửa đổi BLHS cho phù hợp với tình hình, bởi: “Không phải do tâm lý chưa ổn định, suy nghĩ chưa chín chắn dẫn tới các hành vi tội phạm mà do một bộ phận giới trẻ sớm tiêm nhiễm thói chơi bời lêu lổng, lười lao động nhưng thích xài sang… nên gây án. Lẽ nào những kẻ mặc sức gây trọng án mà chưa đủ tuổi thành niên thì thoát án tử cả sao?”.
Lê Văn Luyện. Ảnh: Nguyễn Quyết
Bản án lương tâm
Trong khi đó, nhiều bạn đọc không đồng tình với quan điểm “giết người - đền mạng”. Theo bạn đọc Tùng, luật pháp được xây dựng để điều chỉnh hành vi của mọi công dân, trong đó có chủ đích bảo vệ trẻ em. Không thể vì phẫn nộ mà xử ngoài khung. Dù chưa hoàn hảo nhưng luật pháp được lập ra để bảo vệ số đông, nếu được thi hành nghiêm thì đó là điều đáng mừng, thể hiện sự tiến bộ của xã hội, không nên điều chỉnh tùy tiện nhằm giải quyết những xung đột nhất thời.
Bạn đọc Hoàng Thắng cho rằng sự căm phẫn của công chúng trước hành vi man rợ của Lê Văn Luyện chính là bản án lương tâm nặng nề nhất ám ảnh cả phần đời còn lại của y. “Tử hình Luyện liệu có đòi lại được mạng sống của bố mẹ và em gái cháu Bích? Chúng ta đừng cổ xúy cho sự ghét thương mang tính bản năng trong mỗi con người. Một khi tâm lý giết người - đền mạng còn duy trì thì tội ác đẫm máu biết bao giờ mới dứt…!
An Nhiên
Theo NLĐ
0 nhận xét