Theo công bố của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến năm 2010 là 32,5 tỉ USD, bằng 42,2% GDP; từ nay đến năm 2015, mỗi năm phải trả nợ khoảng 1,5 tỉ USD
Trong 32,5 tỉ USD nợ công của Việt Nam, chủ yếu là nợ nước ngoài. So với mức nợ nước ngoài năm 2009 (chiếm 39% GDP), mức nợ của năm 2010 đã tăng đáng kể và là mức cao nhất từ năm 2006 đến nay.
Tăng gấp đôi trong 5 năm
Chỉ trong vòng một năm, nợ nước ngoài của Việt Nam đã tăng thêm gần 4,6 tỉ USD. Tính chung giai đoạn 5 năm 2006-2010, nợ công của Việt Nam đã tăng gấp đôi. Năm 2010, ngân sách phải trả cho các chủ nợ nước ngoài là 1,67 tỉ USD, tăng gần 30% so với mức trả nợ 1,29 tỉ USD năm 2009. Tính chung từ nay đến năm 2015, mỗi năm, Việt Nam phải trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng 1,5 tỉ USD. Đến năm 2020, tổng số tiền phải trả là 2,4 tỉ USD.
Về cơ cấu nợ, chiếm tỉ trọng lớn nhất là đồng yen 38,8%; SDR (đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) chiếm 27,1%; USD 22,2%; euro 9,2%. Đáng lưu ý là tỉ lệ dư nợ nước ngoài so với GDP đang tăng rất nhanh. Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn song con số 42,2% vừa công bố cho thấy ngưỡng giới hạn có thể còn rất hẹp.
Dù hiện nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn nhưng không thể chủ quan, vì giới hạn có thể còn rất hẹp.
Trong ảnh: Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vay vốn Ngân hàng Thế giới. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong ảnh: Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vay vốn Ngân hàng Thế giới. Ảnh: TẤN THẠNH
Một lo ngại khác đối với nợ công của Việt Nam là tỉ lệ giữa dự trữ ngoại hối so với tổng dư nợ ngắn hạn đang xuống thấp. Tỉ lệ dự trữ ngoại hối năm 2010 chỉ còn tương đương 187% tổng dư nợ ngắn hạn, trong khi năm 2009 là 290% và năm 2008 là 2.808%. Lãi suất vay nợ của Việt Nam cũng đang có xu hướng tăng lên. 65,5% các khoản nợ của Việt Nam vẫn được hưởng lãi suất thấp từ 1% - 2,99%/năm nhưng khoản vay có lãi suất cao từ 6% - 10%/năm trong năm 2010 cũng đã lên tới 1,89 tỉ USD, gấp đôi so năm 2009.
Đừng nghĩ nợ công của ta thấp
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng rất đáng lo ngại về nợ công của Việt Nam. Ông phân tích tỉ lệ nợ công trên GDP phải được xem xét trong điều kiện cụ thể của từng nền kinh tế. Nhật Bản nợ công lên đến 200% GDP nhưng chủ yếu là vay nợ trong nước. Vấn đề nợ công của Nhật vì thế hoàn toàn khác. Còn tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam rất nhanh, gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm.
Tỉ lệ nợ công trên GDP tuy công bố ở mức 42,2% GDP nhưng phải đặt trong bối cảnh bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai và lạm phát đều cao, trong khi nền kinh tế có nhiều biến động thì bảo đảm cho khả năng chi trả không thể so sánh với Nhật Bản. Nếu lạm phát, bội chi ngân sách không được cải thiện, rất có thể Việt Nam bị đánh tụt hạng, điều đó có nghĩa là trái phiếu Chính phủ Việt Nam sẽ có lãi suất rất cao và mức độ rủi ro của Việt Nam rất cao. “Việt Nam phải giảm thu và giảm chi ngân sách, giảm tốc độ vay nợ công và tăng hiệu quả đầu tư công, không thể tiếp tục nghĩ tỉ lệ nợ công của mình còn thấp, mình còn có thể tiếp tục vay” - TS Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nợ công theo cách tính của Việt Nam chỉ bao gồm nợ Chính phủ Trung ương, địa phương và nợ do Chính phủ bảo lãnh, không bao gồm nợ doanh nghiệp. Do đó, không có sự nhất quán giữa số liệu của Việt Nam và các tổ chức quốc tế công bố. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nhưng phương pháp tính nợ công, nợ xấu của Việt Nam chưa phù hợp chuẩn mực của Basel2 và Basel3 (thành tố của Thụy Sĩ quy định tiêu chuẩn của nợ công).
Có thể Chính phủ chưa sẵn sàng chấp nhận những con số tính theo chuẩn mực như vậy nhưng chỉ bằng cách đó mới có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Việt Nam công bố số liệu khác với quốc tế, nhà đầu tư sẽ tìm đến các nguồn thông tin khác và những nguồn này đa phần không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Con số nhất quán và phù hợp hơn đương nhiên tốt hơn và rất quan trọng.
Vấn đề quan trọng nhất, nhìn từ nợ công Việt Nam, là hiệu quả của đầu tư công quá thấp, đầu tư 1 đồng nhưng tài sản cố định chỉ tạo được 0,4 - 0,5 đồng, một nửa tiền đầu tư “biến mất” là nguyên nhân gây ra lạm phát. “Đầu tư nhiều nhưng tài sản cố định và hàng hóa tạo ra rất ít, đó là điều nguy hiểm” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh, tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam đã rất cao nên cần xem xét lại, không những ở việc đầu tư dựa vào vay nợ nước ngoài mà còn có hiện tượng tiêu dùng quá sức sản xuất của GDP. Phải điều tiết thu nhập của những người hiện đang tiêu dùng quá đáng: một bữa ăn 2 con rùa vàng hay ăn một tô phở giá 800.000 đồng. |
TÔ HÀ
Theo NLĐ
0 nhận xét