Phần lớn các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh an toàn, có hiệu quả nhưng vẫn còn 13,6% hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, chênh lệch thu nhập trừ chi phí 6 tháng đầu năm bị âm
Trước thông tin về hiện tượng một số ngân hàng (NH) kinh doanh đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước vừa công bố các con số về thu nhập 6 tháng đầu năm của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa hấp dẫn
Cơ quan này cho biết theo số liệu chốt ngày 30-6, tổng số chênh lệch thu nhập trừ chi phí (không phải lợi nhuận) toàn hệ thống TCTD tăng 42% so với cùng kỳ năm 2010. Mức tăng này được đánh giá là cao nhưng lại hợp lý bởi tốc độ tăng tổng tài sản và tăng vốn chủ sở hữu của hệ thống các TCTD so với cùng kỳ năm 2010 lần lượt là 39% và 44%.
Phân tích sâu hơn, tốc độ tăng tổng tài sản của các TCTD trong 6 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ 2010 cho thấy tỉ lệ là 37%, trong khi tốc độ tăng khi so sánh về vốn chủ sở hữu là 176%. Chính vì vậy, mặc dù số tuyệt đối về thu nhập tăng cao so với cùng kỳ năm 2010 nhưng chỉ số ROA (thu nhập so với tổng tài sản) và ROE (thu nhập so với vốn chủ sở hữu) ở mức lần lượt 0,77% và 8,1%.
Phần lớn các ngân hàng đều đạt lợi nhuận cao. Ảnh: HỒNG THÚY
Đây là hai chỉ số quan trọng nhất đánh giá hiệu quả kinh doanh và tỉ suất sinh lời của các NH. So với 21 ngành khác của nền kinh tế, ROE của các NH ở mức trung bình (thứ 11/21) và ROA ở mức thấp nhất. “Có thể vì lý do này nên dù tổng thu nhập của các TCTD tăng nhưng cổ phiếu của các NH thương mại vẫn chưa có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong thời gian qua”- Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước kết luận.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố tác động khác làm tăng thu nhập của các TCTD.
Thể hiện chưa hết các khoản chi phí
Cũng theo Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước, kết quả và hiệu quả kinh doanh của các TCTD 6 tháng đầu năm không đồng đều giữa các TCTD. Phần lớn các TCTD hoạt động kinh doanh an toàn, có hiệu quả nhưng vẫn còn 13,6% hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, chênh lệch thu nhập trừ chi phí 6 tháng đầu năm bị âm.
Bên cạnh đó, số liệu chênh lệch thu nhập của các TCTD tại thời điểm 30-6 chưa phản ánh đầy đủ các khoản mục chi phí của TCTD. Số liệu theo dõi của Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nhà nước cho thấy với số tuyệt đối và tỉ lệ nợ xấu của các TCTD liên tục tăng từ đầu năm đến nay, chi phí dự phòng các TCTD phải trích lập thêm sẽ không nhỏ.
Chưa kể theo quy định, các TCTD còn phải tính toán điều chỉnh các khoản dự thu, dự chi, dự phòng các khoản đầu tư khác và những khoản này sẽ thực hiện trong báo cáo tài chính quý và thực hiện sau ngày 30-6. Do đó, chắc chắn sẽ có TCTD có mức chênh lệch thu nhập trừ chi phí thấp hơn con số đã công bố.
Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ NH Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1925/QĐ-NHNN điều chỉnh tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng thêm 1% so với trước đây. Cụ thể, đối với khoản tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng của các NH thương mại Nhà nước, NH thương mại cổ phần, NH 100% vốn nước ngoài, NH liên doanh, chi nhánh NH nước ngoài mức dự trữ bắt buộc là 8% trên tổng số dư tiền gửi. Riêng NH NN-PTNT Việt Nam (Agribank), Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương, NH hợp tác mức dự trữ bắt buộc là 7%. Tương ứng, đối với các khoản tiền gửi ngoại tệ từ 12 tháng trở lên, mức dự trữ bắt buộc là 6% (riêng Agribank, Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương, NH hợp tác là 5%). Quyết định này có hiệu lực kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 9-2011. T.Phương |
Tô Hà
Theo NLĐ
0 nhận xét