G7 và G20 cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định các thị trường tài chính và bảo vệ tăng trưởng kinh tế
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor (S&P) hôm 8-8 cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới sẽ tác động đến châu Á sâu sắc và kéo dài hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Theo S&P, cuộc khủng hoảng mới, nếu xảy ra, đặc biệt tác động đến những nước vẫn còn đang sửa chữa ngân sách bị tác động bởi cuộc khủng hoảng lần trước. Dù vậy, S&P nhận định rằng cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và Mỹ nhiều khả năng sẽ không dẫn đến “những trục trặc đột ngột” trong hệ thống tài chính và nền kinh tế của các nước phát triển lớn.
G7, G20 sẵn sàng hành động
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang có những nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của vấn đề nợ ở châu Âu và Mỹ. Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển) hôm 8-8 cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định các thị trường tài chính và bảo vệ tăng trưởng kinh tế.
Tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ có hành động khi cần để bảo đảm tính thanh khoản và hỗ trợ hoạt động của các thị trường tài chính, sự ổn định tài chính và sự tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cam kết giải quyết những căng thẳng xuất phát từ những thách thức hiện nay đối với tình trạng thâm hụt tài chính, nợ và tăng trưởng, đồng thời hoan nghênh những hành động dứt khoát ở Mỹ và châu Âu…”.
Cùng ngày, theo hãng tin AFP, nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tuyên bố sẵn sàng “thực thi tất cả các sáng kiến cần thiết để góp phần ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trên tinh thần hợp tác và tin tưởng”. G20 cho biết sẽ liên lạc chặt chẽ trong những tuần tới và “hợp tác thích hợp, sẵn sàng hành động để bảo đảm sự ổn định tài chính và khả năng thanh khoản trên các thị trường tài chính”.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản sụt giảm hôm 8-8. Ảnh: Getty Images
Những cam kết trên được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục mất điểm mạnh hôm 8-8 do ảnh hưởng từ việc S&P lần đầu tiên hạ mức tín nhiệm nợ của Mỹ từ mức AAA xuống còn AA+. Ngoài ra, sự sụt giảm này còn xuất phát từ những khó khăn ngày càng tăng tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khi ngày càng có nhiều dự đoán rằng Ý và Tây Ban Nha có thể cần cứu trợ tài chính.
Trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ lan rộng trong nội bộ Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ tích cực triển khai kế hoạch mua trái phiếu của các nước thuộc khối này. Trong thông cáo đưa ra sau cuộc họp đêm 7-8, ECB cho biết sẽ mua trái phiếu của chính phủ các nước thuộc Eurozone sau khi Ý và Tây Ban Nha thông báo các biện pháp cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ công. Tuy nhiên, ECB không nói rõ sẽ mua trái phiếu của nước nào.
Những động thái mới nhất của G7, G20 và ECB đã nhận được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định: “Sự hợp tác này sẽ đóng góp vào việc duy trì sự tự tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Các đảng phái Mỹ chỉ trích nhau
Trong lúc này, các đảng phái chính trị Mỹ đang quy trách nhiệm lẫn nhau cho việc bị S&P giảm mức tín nhiệm nợ, làm dấy lên những nghi ngờ liệu các nhà làm luật nước này có thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề nợ. Thượng nghị sĩ John Kerry của Đảng Dân chủ hôm 7-8 chỉ trích phong trào bảo thủ Tea Party liên tục bác bỏ những kế hoạch của Tổng thống Barack Obama mà nếu được thông qua sẽ có thể giảm nợ của đất nước xuống 4.000 tỉ USD trong 10 năm. Đáp lại, thượng nghị sĩ John McCain của Đảng Cộng hòa nói quyết định của S&P là một “bản cáo trạng” về sự lãnh đạo của ông Obama.
Theo hãng tin Reuters, những tranh cãi trên cho thấy cả hai đảng này vẫn còn khoảng cách khá xa trong việc làm sao tìm được giải pháp cho vấn đề thâm hụt ngân sách mà không làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế đang mong manh của đất nước. Chẳng hạn ông Kerry cho rằng việc tăng thuế và đầu tư vào hạ tầng là một phần của giải pháp cho vấn đề nói trên.
Tuy nhiên, ông McCain nhận định giải pháp tăng thuế là không khả thi, đồng thời kêu gọi cắt giảm những khoản chi tiêu như chương trình Medicare chăm sóc y tế cho người lớn tuổi. Ông Paul Ryan, thuộc Đảng Cộng hòa đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, nói ông bi quan về khả năng đạt được thỏa thuận với phe Dân chủ về vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách trong thời gian tới. Nhận định này gây ra không ít lo ngại, nhất là khi S&P hôm 7-8 lặp lại cảnh báo về khả năng sẽ tiếp tục giảm mức tín nhiệm nợ của Mỹ trong vòng từ 6 tháng đến 2 năm tới nếu vấn đề nợ không được cải thiện.
Trung Quốc đòi Mỹ hành động trách nhiệm Giới truyền thông Trung Quốc hôm 8-8 nhận định rằng Mỹ và châu Âu phải tập trung sự can đảm chính trị để giải quyết vấn đề nợ, nếu không sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa. Đề cập về vấn đề nợ của Mỹ, Tân Hoa Xã nhận định rằng mức chi tiêu quân sự khổng lồ là một trong những nguyên nhân khiến S&P giảm mức tín nhiệm nợ của nước này. Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo nghi ngờ về sự ổn định chính trị ở Mỹ đồng thời yêu cầu Washington hành động có trách nhiệm để trấn an thế giới. Báo này viết: “Những gì xảy ra ở Washington không chỉ là cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn là cuộc khủng hoảng chính trị. Nếu các nước phát triển, trong đó có Mỹ và Liên hiệp châu Âu, không nhận trách nhiệm, sự phát triển ổn định của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tổn hại nghiêm trọng”. Ngoài ra, tờ báo còn kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa phương Tây và các nền kinh tế đang phát triển về chính sách kinh tế. |
Tại sao Mỹ nâng mức trần nợ? Mức trần nợ công là mức giới hạn trần về số tiền mà Chính phủ Mỹ có thể mượn để thanh toán các hóa đơn của mình, trong đó có lương của nhân viên liên bang, chi phí của các chương trình liên bang như Medicare, tiền gốc và lãi cho những người nắm trái phiếu của mình… Theo đài Al-Jazeera, nợ công của Mỹ đã đạt ngưỡng 14.300 tỉ USD vào tháng 5-2011. Chính phủ Mỹ sẽ không còn khả năng vay nợ nếu quốc hội không nâng mức trần nợ công lên trên ngưỡng nói trên trước ngày 2-8. Sau các cuộc tranh luận kéo dài, Quốc hội Mỹ cuối cùng nhất trí thông qua dự luật cho phép nâng mức nợ trần công lên thêm 2.400 tỉ USD, đồng thời kêu gọi cắt giảm 2.100 tỉ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới. Dù vậy, mức cắt giảm thâm hụt ngân sách nói trên không đáp ứng mức 4.000 tỉ USD mà S&P đưa ra để giải quyết các vấn đề tài chính của Mỹ. Đây là một trong những lý do chính khiến S&P quyết định giảm mức tín nhiệm nợ của Mỹ. Ngoài ra, S&P cho rằng môi trường chính trị ở Mỹ hiện nay không tạo được lòng tin rằng nước này có thể sớm đạt được một giải pháp có ý nghĩa để giảm thâm hụt ngân sách và món nợ công khổng lồ của mình. |
Hoàng Phương
Theo NLĐ
0 nhận xét