|
Phiến quân Libya thừa nhận nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của NATO, họ không thể giành được thắng lợi quyết định tại thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sau khi Tripoli thất thủ, NATO và quân nổi dậy đã tự rơi vào một cái bẫy.
Trước hết, vẫn còn chưa biết ông Gaddafi ở đâu, lực lượng của ông còn lại như thế nào. Một số khu vực của Tripoli vẫn còn trong tay phe ủng hộ đại tá. Và các nhà phân tích nói rằng sự đầu hàng của thủ đô có thể là một chiến thuật. Và cuộc chiến lâu dài giữa lực lượng ủng hộ ông Gaddafi và phe nổi dậy hoàn toàn có thể xảy ra.
Thứ hai, sự can thiệp của các cường quốc trên thế giới về chính trị, quân sự, kinh tế sẽ chuyển sang một giai đoạn mới trong đó không tránh khỏi các cuộc đấu tranh và đòi hỏi quyền lợi giữa các thế lực bên ngoài tiếp tục tác động và chi phối đến bất ổn ở Libya.
Thứ ba, phe nổi dậy đã thừa nhận là không thể ngăn chặn sự cướp bóc và hỗn loạn trong hàng ngũ của mình. Ngoài ra, còn có sự đấu đá và tranh giành quyền lực giữa các phe phái của quân nổi dậy.Giới lãnh đạo phiến quân phải thừa nhận rằng họ không thể giành được chiến thắng này nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuyên bố giật gân này, theo các chuyên gia, có thể làm tổn hại tới uy tín của NATO và đe dọa cho tình hình chính trị trong nội bộ liên quân.
Ông Fadlalah Haroun, phát ngôn viên của lực lượng vũ trang thuộc NTC còn cho biết, NATO có vai trò tổ chức các đội chiến đấu. Những nhóm này đã bí mật đổ bổ vào Tripoli. Ngoài ra, các nhà báo Anh và Pháp cũng ghi được những bằng chứng về sự hiện diện mặt đất của NATO ở Libya.
Ông Leonid Fituni, phó giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi, cho rằng việc NATO đổ bộ vào Libya là điều đã xảy ra.
“Cách đây 3 tuần, NATO tuyên bố hoạt động trong khuôn khổ nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không can thiệp như một bên tham gia trực tiếp cuộc xung đột. Vậy mà lúc này, chúng ta thấy rằng mọi điều kiện giao ước bị gạt bỏ và rõ ràng trong cuộc xung đột không chỉ có hai mà là ba bên, gồm cả NATO - một đồng minh của quân nổi dậy”, ông nói.
Theo ông, điều này đã rõ ràng trước cuộc tấn công vào Tripoli, khi bắt đầu xuất hiện các chuyên gia NATO trong hàng ngũ phe đối lập. Tham gia đánh chiếm Tripoli không chỉ có các lực lượng đối lập mà còn vô số đại diện cơ quan tình báo thuộc các quốc gia thành viên NATO, cải trang thành người Ả rập. Chỉ khi họ mở đường, các lực lượng đối lập mới bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với quân đội Gaddafi. Còn lúc này, việc người Mỹ trực tiếp tham gia truy lùng vị đại tá, chứng tỏ bắt đầu giai đoạn công khai của chiến dịch trên mặt đất.
Nhưng, bất chấp tuyên bố chính thức của phe nổi dậy, video và các hình ảnh bằng chứng, lãnh đạo liên quân NATO tiếp tục khẳng định rằng hoạt động của khối được thực hiện nghiêm chỉnh trong khuôn khổ nhiệm vụ mà Hội đồng Bảo an ủy nhiệm. Cụ thể, ngày 23/8 vừa qua, đại diện chính thức Oana Lungesku cho biết, NATO đã không sử dụng các đơn vị mặt đất và sẽ không tìm kiếm sự trợ giúp của lực lượng này.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với NATO. Các chuyên gia đã tuyên bố rằng một số thành viên Hội đồng Bảo an sẽ phát biểu phê phán liên quân. Ngoài ra, trong nội bộ khối cũng có thể xuất hiện sự chia rẽ. Điều này có thể dẫn đến các nước NATO sẽ không được tham gia chuyển giao quyền lực ở Libya, mà đây là bước đầu tiên để phá vỡ đối lập. Hơn nữa, ngay cả hiện nay cũng đã nhận thấy sự bất đồng ý kiến trong hàng ngũ phe nổi dậy.Ông Leonid Fituni tiếp tục nhận định rằng: “Phe đối lập tuyên bố họ đã nắm được chính quyền trong tay. Nhưng đó mới chỉ là mong muốn, trong thực tế, cũng như trong bất kỳ cuộc cách mạng nào khác, khi kẻ thù chung biến mất thì sẽ bắt đầu những thách thức khác: ai sẽ lãnh đạo chính, ai là người có quyền lực hơn. Và sẽ có một nhóm nào đó trong số khá nhiều nhóm đối lập sẽ mạnh hơn và sẽ giải quyết vấn đề với các nhóm khác còn lại.”Như vậy, cuộc xung đột ở Libya không những không thể kết thúc như mong đợi mà tương lai bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này vẫn còn xa mới đến hồi kết.
(theo DNTC)
0 nhận xét