Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS. Danilo A. Arao, Khoa Báo chí, trường Truyền thông đại chúng, ĐH tổng hợp Philippines, về cách làm của truyền thông Philippines trong các vụ việc va chạm trên biển Đông gần đây, cũng như trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Thêm chuyên gia, bớt quan chức
- Ông có thể cho biết các vụ va chạm trên biển Đông gần đây giữa tàu Philippines và tàu Trung Quốc được báo chí Philippines thông tin như thế nào?
Truyền thông Philippines, đúng như mong đợi, đã cung cấp những thông tin cập nhật về tình hình căng thẳng đang gia tăng tại các khu vực tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Tôi nhận thấy một nỗ lực có ý thức nhằm thông tin cho công chúng, kể cả khi có một số tuyên bố ngẫu hứng của một vài quan chức chính phủ nói thật là không đáng đăng tải.
Ví dụ lời kêu gọi của một quan chức chính phủ đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, mà theo tôi, gây nhiễu cho vấn đề đáng quan tâm hơn là việc xác định chủ quyền quốc gia của các bên liên quan.
Các nguồn thông tin thì đa dạng, phong phú và đáng tin cậy như phỏng vấn các quan chức chính phủ, cũng như các chuyên gia, ví dụ các nhà sử học. Theo tôi, nên có thêm nhiều chuyên gia hơn là quan chức chính phủ, để người dân được thông tin tốt hơn. Tôi nghĩ các chuyên gia có vị trí thuận lợi hơn trong việc định hướng dư luận thông qua truyền thông. Xét cho cùng, họ hiểu biết sâu sắc hơn các quan chức chính phủ, những người có thể chưa nghiên cứu kỹ lưỡng lắm về các tuyên bố chủ quyền của đất nước.
- Bên cạnh thông tin sự kiện, báo chí Philippines tỏ thái độ như thế nào trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, những ý đồ của Trung Quốc đối với biển Đông? Thái độ của họ đồng thuận hay có những khác biệt nhất định?
- Những vụ va chạm tương tự xảy ra giữa tàu của các nước liên quan, ví dụ Việt Nam, với tàu Trung Quốc, có được thông tin trên báo chí Philippines không, ở mức độ nào và khai thác thông tin từ những nguồn nào?
Các động thái của Việt Nam, Trung Quốc và các bên liên quan khác đều được thông tin trên báo chí Philippines, dù dễ hiểu là các thông tin này được đưa trong mối liên hệ với lợi ích của Philippines. Có các nguồn tin chính như các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán..., và các nguồn tin thứ cấp như các hãng tin và các nguồn khác trên Internet.
Tất nhiên, nguồn cung cấp chủ yếu các thông tin ngoài nước chính là các hãng thông tấn quốc tế. Các cơ quan truyền thông lớn ở Philippines đủ khả năng cử phóng viên ra nước ngoài để đưa tin về các diễn biến mới, song tình hình hiện nay chưa cần thiết phải làm như vậy.
Chính phủ không thể chỉ vì hình ảnh của mình
- Có điều gì trong quan hệ Philippines - Trung Quốc mà các nhà báo Philippines phải chú ý, cân nhắc khi đưa tin, bình luận về các vụ va chạm nói trên không?
Vì các nhà báo Philippines rất tha thiết với việc bảo vệ tự do báo chí, tôi nghi ngờ chính phủ có thể đưa ra bất cứ dặn dò gì về việc báo chí phải đưa tin như thế nào để tránh hiểu lầm với Trung Quốc. Việc báo chí Philippines cần làm chính là tiếp tục thông tin đầy đủ về bối cảnh tình hình, không chỉ bằng các cứ liệu lịch sử mà còn cần những nhận định thuyết phục từ các chuyên gia như các nhà sử học, xã hội học, các luật sư.
Chỉ phỏng vấn các quan chức chính phủ thôi sẽ dễ gặp trở ngại là họ không hiểu vấn đề thực sự sâu sắc, cuối cùng chỉ nói "những lời hoa mỹ" không có tác dụng gì trong việc chia sẻ những thông tin cần thiết.
- Chính phủ Philippines có vai trò như thế nào trong việc thông tin của báo chí về các sự việc trên?
Theo lý thuyết, chính phủ cần minh bạch trong việc chia sẻ thông tin với người dân, thông qua báo chí. Đó là ý nghĩa đích thực của "thông tin đại chúng". Tuy nhiên, thông tin đại chúng trong thực tiễn lại đồng nghĩa với việc tuyên truyền của chính phủ, kết quả là các nhà báo chỉ được cung cấp những thông tin mà chính phủ thấy hữu ích cho hình ảnh tích cực của họ trên báo chí.
Báo chí làm tốt, lãnh đạo sẽ phải xem xét
- Công chúng Philippines quan tâm đến các thông tin này ở mức độ nào? Họ có hài lòng với những thông tin nhận được?
Công chúng có nhận thức rất rõ ràng khi đọc, nghe hay xem tin tức trên truyền thông. Một lý do khiến các đài phát thanh truyền hình thuộc chính phủ không được yêu thích lắm là vì phần đông công chúng tin rằng, thông tin họ phát ra đã được gò cho hợp với mục đích xây dựng hình ảnh đẹp của chính phủ.
Trong khi công chúng muốn biết quan điểm của chính phủ (đặc biệt trong vấn đề quan trọng như tranh chấp quần đảo Trường Sa), các đài phát thanh truyền hình này lại quá thận trọng chỉ đưa thông tin một chiều, khiến các phương tiện truyền thông khác phải quyết định phơi bày sự thật.
- Vậy các mạng xã hội ở Philippines có vai trò như thế nào trong đời sống truyền thông nói chung và trong các sự việc va chạm chúng ta đang nói đến?
Truyền thông xã hội cho phép mọi người chia sẻ các nguồn thông tin trực tuyến hữu ích với bạn bè, người quen, ví dụ trên Facebook hay qua Twitter. Ở Philippines, truyền thông xã hội cũng là một trong những nguồn tin, ví dụ báo chí có thể chọn đăng tải những dòng trạng thái có giá trị thông tin. Các nhà báo cũng có thể tìm thấy đề tài hoặc mạch truyện khi phân tích các bài viết, ảnh và video được đưa lên các mạng xã hội.
- Theo ông, liệu những việc mà truyền thông Philippines đang làm có thể tác động đến Trung Quốc khiến họ xem xét lại các hành động của mình không?
Nhân tố quan trọng nhất trong các giải pháp ngoại giao vẫn là chính phủ. Báo chí, qua việc thông tin về vấn đề này, chỉ có thể tác động gián tiếp đến kết quả cuối cùng. Nếu các sản phẩm truyền thông có thể đạt đến những tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức cao nhất, các nhà hoạch định chính sách và quan chức chính phủ có thể sẽ nghiêm túc xem xét những phân tích mạnh mẽ của báo chí, đặc biệt là trong các bài xã luận và bình luận.
Theo Tuần Việt Nam// VNN
0 nhận xét