Bộ Ngoại giao Singapore hôm 20/6 cho biết, “Trung Quốc cần làm rõ hơn tuyên bố chủ quyền ở biển Đông vì sự mập mờ hiện nay đối với phạm vi tuyên bố chủ quyền của họ đã gây lo ngại nghiêm trọng trong nhóm hàng hải quốc tế”. Theo đó, dù không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, nhưng Singapore là quốc gia thương mại lớn và những vấn đề liên quan đến tự do hàng hải kể cả là hàng hải trên biển Đông có thể tác động đến lợi ích của Singapore.
Trong lúc này, Trung Quốc tiếp tục có các tuyên bố cứng rắn liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Tối 19/6, hãng thông tấn Đài Loan CNA dẫn lại bài xã luận báo Văn Hối, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc ở Hong kong, chỉ rõ “Trung Quốc phải làm tốt công tác chuẩn bị về mặt quân sự để nếu các nước liên quan có hành động khiêu khích thái quá trên biển Đông thì họ sẽ bị giáng trả mạnh mẽ”. Báo này cũng trích dẫn cụm từ “quyết không ngồi đó để nhìn” mà lần đầu tiên sau 42 năm kể từ xung đột biên giới Trung - Xô lại xuất hiện, điều đó cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh không ngại sử dụng vũ lực khi cần thiết và đây cũng được coi là sự biểu lộ thái độ mạnh mẽ nhất của Trung Quốc kể từ khi tình hình Biển Đông xảy ra biến động.
Tàu hải tuần lớn nhất Trung Quốc đang neo đậu tại cảng Singapore. Ảnh: Reuters |
Ngày 20/6, báo mạng Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) đăng tải bài viết của chuyên gia Li Hongmei về tranh chấp trên biển Đông tuyên bố, Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ một cm nào lợi ích then chốt về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và luôn luôn bảo vệ bằng bất cứ giá nào.
Cùng ngày, báo Chinareviewnews (Hongkong) dẫn lời thiếu tướng hải quân Đài Loan, Doãn Thịnh Tiên khẳng định, để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước tại khu vực biển Đông, thì quân đội của Đại lục hay Đài Loan cũng đều là quân Trung Quốc”, nên hợp thành một “liên minh quân sự”. “Phản ứng của Bắc Kinh trước tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay là chưa đủ cứng rắn”, ông Doãn nhận xét.
Theo ông Doãn, Đại lục cần kêu gọi lực lượng quân đội của cả Đài Loan và Trung Quốc cùng bảo vệ “tài sản chung của tổ tiên”. Không chỉ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mà cả quân đội Đài Loan đều phải có trách nhiệm. Hiện nay trên khu vực Thái Bình Dương, quân đội Đài Loan có một số căn cứ quân sự lớn. “Chính vì thế, nếu có xung đột xảy ra, những căn cứ này chính là một hậu phương vững chắc trong việc cung cấp nước ngọt và nhu yếu phẩm cần thiết cho quân Trung Quốc”, ông Doãn phát biểu. Giới quan sát cho rằng, “nếu Đài Loan lên tiếng, chính Trung Quốc là người có lợi”.
Theo Reuters 20/6, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines (AFP) Eduardo Oban Jr. cho biết, bắt đầu từ năm 2012, Philippines chi 40 tỷ peso cho chương trình hiện đại hóa AFP trong vòng 5 năm tới, nhằm nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước này tại Biển Đông. |
0 nhận xét