Ông khẳng định, Philippines có quyền thăm dò các vùng biển của mình bất chấp việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc, nước lớn tiếng tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, trong tuần trước đã yêu cầu các nước láng giềng ngừng mọi hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển này nếu không được Bắc Kinh cho phép.
Tổng thống Aquino khẳng định, Philippines mở cửa cho đối thoại nhưng không muốn bị chèn ép. "Chúng tôi sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang với họ”, ông nói với báo chí ở Manila. "Chúng ta không làm leo thang căng thẳng ở đây, nhưng chúng ta phải bảo vệ các quyền của mình, và đó là điều rất, rất rõ ràng”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bị bắt nạt chỉ vì chúng ta nhỏ hơn họ”.
Tổng thống Philippines Aquino.
Tuyên bố của Tổng thống Aquino xuất hiện giữa lúc báo chí Trung Quốc thông tin về việc sẽ tăng cường lực lượng tuần tra ven biển bằng cách tăng thêm tàu, máy bay và 6.000 người vào năm 2020. Thông tin mở rộng lực lượng Hải giám Trung Quốc (CMS) – cơ quan thực thi pháp luật bán quân sự đảm nhận nhiệm vụ tuần tra vùng biển – đưa ra hai ngày sau khi Bắc Kinh điều động tàu tuần tra hàng hải dân sự lớn nhất tới Biển Đông.
Tờ Nhật báo Trung Quốc cho hay, lực lượng hàng hải dưới sự quản lý của Cơ quan Đại dương Trung Quốc, sẽ có 16 máy bay, 350 tàu vào năm 2015 và hơn 15.000 thành viên cùng 520 tàu vào năm 2020.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất (với bản đồ hình chữ U) gần như bao trùm toàn bộ 1,7 triệu km vuông ở Biển Đông. Trong tuần này, trước những phản ứng của nhiều nước, Bắc Kinh đã cảnh báo các quốc gia bên ngoài không dính líu vào tranh chấp. Theo giới phân tích, lời cảnh báo này trực tiếp nhằm vào Mỹ giữa lúc có nhiều hy vọng sự tham gia của Washington sẽ góp phần tháo gỡ căng thẳng.
Hôm qua (17/6), Philippines tuyên bố điều tàu chiến lớn nhất của mình tới Biển Đông. Tuy nhiên, người phát ngôn bộ Quốc phòng nước này, Eduardo Batac, khẳng định rằng, việc triển khai tàu chiến là hoạt động thông thường và không liên quan tới tuyên bố từ phía Trung Quốc về việc một trong các tàu tuần tra hàng hải lớn nhất của họ sẽ đi qua vùng biển này.
Theo giới phân tích, với việc khu trục hạm chống tàu ngầm BRP Rajah Humabon trọng lượng 1.400 tấn, tàu chiến hàng đầu của hải quân Philippines, được điều tới Biển Đông sau tàu Hải Tuần 31, tình hình tranh chấp hàng hải trong khu vực có nguy cơ tiếp tục leo thang.
Người đứng đầu Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Alexander Pama, khẳng định hải quân nước này "sẽ không có hành động khiêu khích nào ở Biển Đông". Ông nói lực lượng hải quân sẽ chỉ thực hiện công việc phòng thủ trong vùng biển chủ quyền của Philippines.
Tàu chiến Humabon, với 68 thủy thủ và 8 sỹ quan, hôm thứ Năm còn neo đậu tại cảng Poro Point trước khi lên đường tới Bãi Scarborough. Chỉ huy trưởng con tàu Celestino Abalayan nói:" Chúng tôi sẽ theo dõi để phát hiện các đe dọa an ninh trong khu vực, cũng như các hành động vi phạm chủ quyền của Philippines".
Trong những tin tức liên quan khác, tại Hội nghị Bộ trwongr Philippines - Australia lần thứ ba ở Canberra, phía Australia đã cùng chia sẻ quan điểm của Philippines rằng, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) nên là cơ sở để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Philippines trong khi đó đã kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN đưa ra lập trường chung về những diễn biến ở Biển Đông.
- Thụy Phương (Theo australianetworknews, philstar)VNN
0 nhận xét