Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” về vấn đề tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng, bên cạnh việc “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”
Mấy ngày qua, dư luận xã hội quan tâm nhiều về chuyện đề thi, đáp án kỳ thi THPT của Bộ GD-ĐT và chuyện thỏa thuận chấm điểm tốt nghiệp THPT của 11 tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nói như ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT, với Báo Người Lao Động, ngày 20-6: “Mục tiêu của chúng tôi là học thật thi thật, không phải là thi đỗ 100%” thì các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua ở các tỉnh, thành khá giỏi với kết quả bình quân thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT trên cả nước đạt hơn 95%.
Bộ GD-ĐT cần thể hiện vai trò của mình
Chuyện đáng nói ở đây là nhân dân không hiểu vì sao chúng ta đã lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng gần chục năm nay mà dường như năm nào cũng có vấn đề về đề thi, về đáp án. Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục của đất nước này cả một đời, tôi biết đội ngũ thầy giáo, cô giáo của chúng ta không tệ, không thiếu tâm huyết.
Chúng ta cũng có nhiều chuyên gia giỏi nghề, cớ sao lại như thế? Câu hỏi này quả thực không mới nhưng cũng cần phải đặt ra để lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhìn lại sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Việc làm của 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL là không đúng nhưng tại sao họ phải làm như thế? Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Bắc không nghe nói tới chuyện “hợp tác” mà kết quả vẫn cao ngất ngưởng. Kết quả đó có phản ánh trung thực trình độ học vấn của các em không? Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” về vấn đề này, bên cạnh việc “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”.
Thí sinh trao đổi về bài làm sau buổi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Hơn 10 năm qua, nhân loại nói chung, dân tộc ta nói riêng đã ý thức và khẳng định chất xám được coi là tấm hộ chiếu để bước vào thế kỷ XXI. Và tài nguyên tương lai của mỗi quốc gia hoàn toàn tùy thuộc ở óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới, kỹ năng khai thác tiềm năng của bộ não, tốc độ và tài sử dụng thông tin để tạo thêm những giá trị gia tăng.
Muốn được điều ấy phải thông qua giáo dục. Nhà nước ta đã dành cho giáo dục một ngân sách không nhỏ và đã xếp giáo dục vào hàng quốc sách hàng đầu. Như vậy, Bộ GD-ĐT cần thể hiện vai trò của mình, chứ không thể để kéo dài tình trạng đáng buồn như những gì đã xảy ra mà báo chí đã tốn không ít giấy mực.
Xác định “triết lý giáo dục”
Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, tôi tin nhân dân không thể bằng lòng ở cách giải thích nguyên nhân xem đó là do bệnh thành tích mà phải truy tìm cho ra bản chất căn bản của “căn bệnh giáo dục” thì mới hy vọng chữa trị được.
Hãy vì đất nước này, vì sự nghiệp đổi mới, chúng ta đừng biến các em trở thành “một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá” như Albert Einstein đã cảnh báo cách đây khá lâu. PGS-TS Đặng Ngọc Lệ |
Hầu như các ý kiến đều cho rằng “triết lý giáo dục” của ta hiện nay cần phải thay đổi, sau đó mới bàn tới việc thay đổi phương thức quản lý giáo dục, phân bố lại chương trình, bỏ hay thay đổi chế độ thi cử, thiết lập đại học cộng đồng, trường công hay trường tư, trường quốc tế hay quốc nội... Nếu không thay đổi “triết lý giáo dục” thì sẽ vấp phải hết vấn đề này tới vấn đề khác.
Và chuyện xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua phải chăng lần nữa chỉ ra cái “triết lý giáo dục” lỗi thời mà ta còn theo đuổi? Rồi biết xảy ra chuyện gì nữa trong kỳ thi đại học, cao đẳng trong tháng 7 cận kề tới đây?
Rồi giải quyết thế nào những trường “lu nướng”, trường “quốc tế” mà giáo trình dành cho trình độ trung cấp nghề đào tạo cử nhân; đào tạo hệ vừa làm vừa học được cấp bằng “chính quy – vừa làm vừa học” chẳng giống ta mà cũng không giống tây?...
PGS-TS ĐẶNG NGỌC LỆ
Theo NLĐ
TIN BÀI LIÊN QUAN:
>>Vụ scandal chấm thi Tốt nghiệp THPT 2011 ở ĐBSCL (Cần Thơ): Bộ GD-ĐT khẩn trương làm rõ >>Dự án giáo dục 70.000 tỷ đồng: Một đề án giáo dục gây "tiếng vang" về truyền thông
>>Xã hội hóa xuất bản: Tư nhân làm sách - mập mờ trách nhiệm
0 nhận xét