* Không nhất trí được mức đóng góp của giới đầu tư tư nhân
Ngày 15-6, đất nước Hy Lạp gần như tê liệt hoàn toàn bởi cuộc tổng đình công trên toàn quốc nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ để đổi lấy khoản cứu trợ mới. Tất cả hệ thống văn phòng phải đóng cửa, hệ giao thông đường bộ bị ngưng trệ khi cuộc biểu tình biến thành bạo động của hàng chục ngàn người tại quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens.
Cuộc đình công diễn ra sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 6 tiếng rưỡi đồng hồ ngày 14-6 tại Brussels (Bỉ), bộ trưởng tài chính các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã không đạt được thoả thuận về mức đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân trong gói giải cứu thứ hai dành cho Hy Lạp.
|
Cảnh sát chống bạo động ngăn cản đoàn người biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Athens |
Theo Bloomberg, tại cuộc họp, các cuộc tranh luận không đưa ra được nhất trí cuối cùng khi Đức muốn Hy Lạp phải tái cơ cấu các khoản nợ, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không đồng ý. Đức cho rằng gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp phải có sự đóng góp của các nhà tín dụng tư nhân. Theo đó, trong gói cứu trợ mới ước tính lên tới 90 tỷ EUR này, Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ đóng góp 30%; kế hoạch bán tài sản của Chính phủ Hy Lạp thu về được 30% trong tổng số tiền này và 30 triệu EUR còn lại do các nhà tín dụng tư nhân đảm nhận. Đức muốn các ngân hàng, quỹ hưu trí và hãng bảo hiểm hiện đang nắm giữ trái phiếu chính phủ của Hy Lạp chuyển sang loại mới có kỳ hạn thanh toán tăng thêm 7 năm. Tuy nhiên, ECB lo ngại rằng kéo dài thời gian sẽ là một sai lầm, tạo thêm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng của Hy Lạp và kéo thêm các nước khác đang gặp khó khăn về nợ vào cuộc khủng hoảng này.
Châu Âu những ngày sắp tới
Trong hơn một năm qua, Hy Lạp đã nhận được phần lớn gói cứu trợ quốc tế trị giá 110 tỷ EUR (tương đương 160 tỷ USD). Nhưng tình hình tài chính nước này vẫn không được cải thiện và nợ công hiện đã lên tới 350 tỷ EUR. Hy Lạp đã không đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2010 dù đã áp dụng các biện pháp khắc khổ, làm dấy lên những quan ngại Athens sẽ không trả được nợ. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu không được cấp thêm khoản vay khẩn cấp 12 tỷ EUR trong tháng 7 tới, Hy Lạp có thể bị vỡ nợ. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã phải công bố một chương trình tiết kiệm chi tiêu mới trong 5 năm, chủ yếu tập trung vào các biện pháp tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và tư nhân hoá các tài sản của nhà nước.
Mặc dù thất bại, nhưng các quan chức tài chính hy vọng rằng cuộc họp ngày 14-6 sẽ phần nào giúp thu hẹp bất đồng giữa các nước nhằm tiến tới một thỏa thuận cuối cùng về gói cứu trợ tài chính mới cho Hy Lạp tại hội nghị thượng đỉnh EU, sẽ diễn ra trong hai ngày 23 và 24-6 tới tại Brussels. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, khả năng Hy Lạp sẽ là thành viên đầu tiên trong khu vực Eurozone bị vỡ nợ đang đến gần và với sự thất bại khi không tìm được tiếng nói chung lần này, châu Âu đang bị đẩy gần hơn nữa đến bờ vực “vỡ nợ quốc gia”.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 14-6, hai đảng bảo thủ của Bồ Đào Nha là Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) trung hữu và đảng Nhân Dân bảo thủ đã đạt được thoả thuận về thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng để có thể nhận được gói cứu trợ 78 tỷ EUR của EU và IMF. Nếu đáp ứng lời kêu cứu của Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha thì khoản tiền 750 tỷ EUR trong Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) chỉ đủ để bảo lãnh nợ chứ không được dùng để viện trợ không hoàn lại hay trả nợ thay. Giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu dường như ngày càng đi vào ngõ cụt bên cạnh triển vọng tài chính cũng không khả quan ở Tây Ban Nha và Italia.
H.Chi.SGGP
0 nhận xét