Hội thảo khoa học quốc gia về Văn hóa biển đảo Khánh Hòa với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý diễn ra hôm 11/6 trong khuôn khổ Festival biển 2011 tại Nha Trang. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐHQG TP.HCM) trao đổi bên lề về văn hóa biển và một chiến lược phát triển văn hoá biển trong thời hiện đại.
Việt Nam từng có văn hóa biển
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Một dân tộc được coi là có văn hóa biển khi văn hóa biển là một thành tố hữu cơ không thể thiếu của vốn văn hóa dân tộc. Điều đó đạt được khi hội đủ 4 điều kiện: Khu vực sinh tồn nhờ biển đủ lớn để cộng đồng biết đến và thừa nhận; Cư dân sống trên biển đủ đông để trở nên một lực lượng quan trọng không thể xem thường của cộng đồng; Đóng góp kinh tế - xã hội của nghề biển đủ nhiều để cộng đồng biết đến và thừa nhận; và chủ thể ấy tồn tại trong không gian ấy với những đóng góp ấy một thời gian đủ dài để trở thành truyền thống và đi vào tâm thức cộng đồng.
Nếu thừa nhận 4 tiêu chí trên thì có thể nói, trong lịch sử, Việt Nam thời Đông Sơn và sau đó, có thể đến hết thời kỳ chống Bắc thuộc, từng có văn hóa biển, thậm chí là một quốc gia biển ở quy mô khu vực.
Đánh bắt cá trên Biển Đông. |
- Ông có thể cho biết thêm về nền văn hóa biển thời Đông Sơn của Việt Nam?
Có rất nhiều bằng chứng, trong đó hiển nhiên nhất, hay được nhắc đến nhất là hình vẽ tàu thuyền trên các trống đồng Đông Sơn. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến một chi tiết là các tàu thuyền này dường như chỉ đi sông chứ không đi biển, vì chúng không có buồm. Thuyền đi biển thời Nguyễn, như hình vẽ trên các cửu đỉnh chẳng hạn, thì có buồm, nhưng thuyền thời Đông Sơn hầu như thân dài và có mái chèo.
Tuy nhiên, theo sách vở Trung Quốc, người Trung Quốc từ thời Hán đến thời Tùy Đường đều khẳng định người Việt đi sông đi biển rất giỏi. Có thể nhận định truyền thống đi biển là có chung ở cư dân Bách Việt, từ Nam Trung Hoa đến Việt Nam. Các nhà nghiên cứu phương Tây cũng ghi nhận điều này. Thời Óc Eo, đầu Công nguyên, đã có nhiều giao dịch từ Óc Eo lên Bắc Bộ, cũng như đến La Mã, với phương Tây, được ghi lại trên các bản đồ cổ của phương Tây. Đến thế kỷ 15, thời Christophe Colomb, việc này vẫn được nhắc nhiều.
Những nghiên cứu sau này, ví dụ của học giả gốc Hoa Wang Gungwu, về lịch sử ngoại thương trên biển Đông cũng nhận định đến hết thời Bắc thuộc, mọi hoạt động hàng hải trên vùng biển này chủ yếu do người Giao Chỉ thực hiện, vai trò của người Việt là rất lớn, Quảng Châu chỉ nắm một phần nhỏ.
Một câu hỏi đặt ra, mà ta vẫn chưa có đủ cứ liệu lịch sử để trả lời, là truyền thống biển đó đã đi đâu?
Khả năng thứ nhất là nó đã mất đi. Nhưng không có lý nào, vì bối cảnh vẫn như vậy, không có nguyên nhân gì để nó mất đi.
Khả năng thứ hai là nhóm dân cư gốc Nam Đảo (người Chăm, Raglai, Êđê, Churu... hiện nay) vốn là cộng đồng cư dân biển, do các nguyên nhân lịch sử đã di cư dần lên núi. Ví dụ người Chăm xưa kia đi biển giỏi, khai thác biển, thậm chí chinh phạt cũng bằng đường biển. Sau khi di cư lên núi, họ trở thành cư dân đất liền làm nông nghiệp. Lịch sử văn hóa biển của họ chỉ còn trong những tàn tích ở nhà mồ, kiến trúc, điêu khắc, phong tục, tập quán, nghi lễ...
Hải quân giữ biển. Ảnh Phạm Tuấn |
Từ thế kỷ X trở lại đây, Việt Nam chỉ có văn hóa sông nước và một số yếu tố của văn hóa biển, không còn văn hóa biển như là một bộ phận hữu cơ không thể thiếu trong đời sống văn hóa dân tộc.
Tâm thế làm chủ biển
- Văn hóa biển của chúng ta thời kỳ sau này có gì khác biệt, thưa ông?
Do hạn chế về tư liệu, ghi chép lịch sử nên rất khó so sánh văn hóa biển thời đó với thời nay, nhưng theo miêu tả trong các dấu tích còn lại, văn hóa biển của chúng ta thời xưa khá hùng mạnh. Trải qua thời gian cũng có những thay đổi. Thời Trần, thương cảng Vân Đồn chỉ là điểm dừng chân chứ không phải nơi để đi ra nước ngoài. Phố Hiến, Hội An chỉ còn là điểm giao lưu buôn bán với thương nhân nước ngoài những mặt hàng có lợi cho ta, triều đình nhà Nguyễn còn coi đây là nơi thu nhập nhờ đánh thuế.
Văn hóa đi ra chinh phục biển khơi của người Việt có nhưng ở mức độ thấp. Nhà Nguyễn rất có ý thức về chủ quyền đã cử người ra Hoàng Sa, Trường Sa để thu thập, ghi chép, kiểm kê. Nhưng chính ở những người đó tâm lý sợ biển cũng rất rõ. Lễ hội khao lề thế lính thực chất là nghi lễ tế sống những người ra đi không biết có trở về không. Mỗi người chuẩn bị sẵn hai cái chiếu bó xác, bảy cái nẹp, bảy dây mây. Với người Việt, biển là cái gì cực kỳ nguy hiểm, ghê gớm, chúng ta chưa có tâm thế làm chủ.
- Một học giả có ý kiến rằng chúng ta chưa có một chiến lược phát triển văn hóa biển trong thời kỳ hiện đại, bản thân ông nhận định như thế nào?
Trước hết ta phải thực sự làm chủ biển. Đó phải là một chiến lược đi từ trên xuống, có sự hỗ trợ tối đa của nhà nước. Nhưng người làm chủ biển phải là nhân dân, quân đội chỉ là một phần. Quân đội đủ mạnh để giữ biển mà nhân dân không đủ khả năng khai thác biển thì chưa thể nói là làm chủ biển.
Cũng cần một sự giáo dục bằng nhiều phương cách đa dạng, như đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường, vào các bảo tàng, trên các phương tiện truyền thông đại chúng... để người dân hiểu rằng chúng ta đã từng có một truyền thống văn hóa biển đáng tự hào, rằng biển là một kho tài nguyên quý giá vô tận.
Nếu không làm chủ được biển, ta sẽ lãng phí một phần tài nguyên lớn. Nếu ta không kịp làm chủ biển, có thể các nước khác sẽ tranh giành mất. Đó sẽ là tội lỗi lớn của ta với các thế hệ mai sau.
Ngư dân Việt Nam bám biển. Ảnh BBC |
Nhà nước đã có chủ trương xây dựng Việt Nam thành một quốc gia biển, nhưng chưa có một chính sách đắc dụng và hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia biển. Những chính sách được thực thi trong thời gian qua dường như tập trung đầu tư về vốn và kỹ thuật cho khai thác biển, mà chưa chú ý xây dựng và bảo tồn nền văn hóa biển, bao gồm tri thức, cách ứng xử và tâm thế của người Việt với biển.
Không thể chỉ lưu giữ truyền thống văn hóa biển trong ký ức của các cộng đồng cư dân duyên hải, mà phải bảo tồn nền văn hóa ấy trong các bảo tàng quy mô và hiện đại do nhà nước đầu tư, trong các chính sách phát triển văn hóa do nhà nước chủ trương. Muốn có vị thế đại dương cho quốc gia, trước hết phải bảo tồn nền văn hóa biển cận duyên hiện hữu trong cộng đồng nhưng đang đối mặt với nguy cơ mai một.
Chúng ta cần một bảo tàng văn hóa biển, nhưng phải làm đến nơi đến chốn, không phải theo kiểu thấy hay hay, hoặc sướng lên thì cấp tiền làm. Cách làm, các chi tiết, kế hoạch sử dụng... đều phải được tính toán kỹ. Bắt tay vào làm sẽ khó nhưng dần dần sẽ làm được, quan trọng là những người lãnh đạo, quản lý bảo tàng có tầm nhìn, có cách làm khoa học. Một bảo tàng văn hoá văn minh biển sẽ có đủ mọi thứ về đời sống của ngư dân, các ngành nghề đánh bắt cá, các loại tàu thuyền, văn hóa dân gian và văn học về biển... Và một bảo tàng như thế đặt tại Khánh Hòa là đúng nhất. Dọc theo toàn bộ dải đất hơn 3200km bờ biển của nước ta, miền Trung là nơi có văn hoá biển mạnh nhất. Khánh Hòa lâu nay vẫn đi đầu, đã có Viện Hải dương học duy nhất, có bảo tàng sinh vật biển, thì nên có thêm một viện nghiên cứu văn hóa biển và bảo tàng văn hóa biển, biến đây thành nơi đầu não, trung tâm. Nếu rải rác mỗi nơi một tí thì không thể trở thành sức mạnh. Các nghiên cứu về biển cũng cần thống nhất và tập trung. Đã có các nghiên cứu về biển ở mặt tự nhiên, cũng nên có những nghiên cứu về biển ở mặt xã hội và nhân văn để bổ trợ cho nhau. - GS. Trần Ngọc Thêm - |
Theo Vietnamweek//VNN
0 nhận xét