I. Theo tài liệu của các chúa Nguyễn
Trong sách Hồng Đức bản đồ có 3 bản đồ liên quan đến bờ biển, Biển Đông và hải đảo:
1. An Nam quốc vẽ toàn thể lãnh thổ Đại Việt về thời Hồng Đức - 1490.
2. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư gồm nhiều bản đồ, trong có những bản đồ vẽ đường lối đi từ Thăng Long đến nước Chiêm Thành.
3. Bình Nam đồ do Đoan quận công Bùi Thế Đạt vẽ đường lối đi từ Chiêm Thành đến biên giới Cao Miên (1).
Những bản đồ trên chưa mô tả đầy đủ bờ biển, biển Đông và các cửa bể toàn quốc vì đây là những bản đồ thực hiện trong giai đoạn lãnh thổ nước ta đang thời kỳ Nam tiến. Tuy nhiên, đã có những chi tiết xác định chính quyền và nhân dân ta đã khai thác và làm chủ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong Phủ biên tạp lục (1777), Lê Quý Đôn viết: "Xã An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần bãi biển. Về hướng Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo và nhiều núi linh tinh hơn 130 đỉnh... ở trong các hòn đảo có bến Cát Vàng... Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh... Họ Nguyễn còn thiết lập thêm đội Bắc Hải ..." (2).
An Nam đại quốc họa đồ |
II. Theo tài liệu của triều Nguyễn
Ngày 1 tháng 7 năm Quí Hợi (1803), sử Đại Nam thực lục chính biên ghi: Gia Long "lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngữ của biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), sai mộ dân ngoại tịch làm đội Hoàng Sa" (3).
Đầu năm 1815, sử Đại Nam thực lục chính biên ghi: Gia Long "sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển" (4).
Cuối tháng 6 năm Đinh Sửu (1817), Gia Long "sai bọn Hữu tham tri bộ Công Nguyễn Đức Huyên và Tả tham tri Đoàn Viết Nguyên làm sách Duyên hải lục, phía nam đến Hà Tiên phía bắc đến Yên Quảng. Phàm các cửa biển, mực nước khi triều lên triều xuống sâu nông thế nào, dặm đường xa gần bao nhiêu, đều phải chép cả. (Bộ sách ấy gồm 2 quyển, chép cả thảy 4 dinh, 15 trấn, 143 cửa biển, dài 5.902 dặm, mỗi dặm là 540 trượng)" (5). Chúng tôi tìm được sách Thông quốc duyên cách hải chử, có nội dung hoàn toàn giống sách Duyên hải lục.
Tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834), sử Đại Nam thực lục chính biên ghi: Minh Mạng "sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thuỷ quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ...(7).
Tháng 6 năm Ất Mùi (1835), sử Đại Nam thực lục chính biên ghi "dựng đền ở đảo Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng... Năm ngoái, vua (Minh Mạng) toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Đến đây, mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyển chở vật liệu đến dựng miếu. Bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong, 10 ngày làm xong rồi về" (8).
Hai bản đồ An Nam đại quốc họa đồ (Taberd 1838) và Đại Nam nhất thống toàn đồ (1840) thể hiện khá đầy đủ tình hình bờ biển - biển Đông - hải đảo Việt Nam đương thời.
Pháp bắt đầu vẽ bản đồ Việt Nam theo kỹ thuật khoa học hơn cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến.
Về phần bờ biển - biển Đông - hải đảo, Pháp trao nhiệm vụ cho hải quân Pháp (Service hydrographique de la Marine) đo đạc và thực hiện các đồ bản. Những bản đồ này ghi cả độ sâu gần khắp biển Đông rộng khoảng 1 triệu km2. Phải kể đó là một kỳ công. Chúng tôi sưu tầm được khoảng 100 bản đồ cỡ 54 x 75cm và 74 x 104cm vẽ rõ bờ biển, biển Đông và hải đảo, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện từ 1884 đến 1930.
Từ khi Việt Nam giành được quyền tự chủ (939), chính quyền và tác giả Trung Hoa vẽ bản đồ nước ta cũng khá nhiều, song chủ yếu là ở phần đất liền. Về biển Đông và hải đảo Việt Nam, chúng tôi tạm thấy có 3 bản đồ mô tả khá rõ. Đó là:
a. Bản đồ Giao Chỉ quốc - Giao chỉ dương trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (thế kỷ XV).
b. Bản đồ diên cách Việt Nam đông đô - Việt Nam tây đô với Đông Dương đại hải của Ngụy Nguyên (1842).
c. Bản đồ An Nam quốc với Đông Nam hải cũng của Ngụy Nguyên (1842).
Năm 1497, Vasco de Gama nhân danh Bồ Đào Nha phát kiến đường sang Ấn Độ đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở nam Phi châu. Gama trở thành Phó vương Ấn Độ. Nhà hàng hải Affonso de Albuquerque chiếm đóng Goa năm 1510, Malacca năm 1511. Tomé Pires viết sách Suma Oriental cho biết năm 1523 mới khám phá ra bờ bể nước Giao Chỉ Chi Na (en 1523, les découvertes des côtes de la Cochinchine). Năm 1525, Diogo Ribeiro vẽ bản đồ nước ta với biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa mang tên gọi là Pracel rồi sau đổi thành Paracel. Từ đấy đến suốt thế kỷ XIX, các nước Tây Âu thực hiện được nhiều bản đồ thế giới gồm cả năm châu. Trong đó ghi tên nước ta là Giao Chỉ với cách phiên âm rất khác nhau tùy theo ngôn ngữ các dân tộc.
Chúng tôi đã thu thập và nghiên cứu hàng trăm bản đồ thế giới của các nước Tây phương thực hiện, hầu hết trong đó đều có ghi đất nước ta với các hải đảo Hoàng Sa - Trường Sa mà họ gọi tên chung là Paracel hay Pracel. Bờ biển Pracel (Costa da Pracel) là ở Trung bộ Việt Nam. Không một bản đồ nào ghi bờ biển Pracel ở Nam Trung Hoa hay ở Phi Luật Tân (Philippines), Indonesia hoặc Mã Lai (Malaysia). Thật hiển nhiên, khắp thế giới đều thừa nhận Hoàng Sa -Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Các bản đồ nêu trên mô tả đất nước Việt Nam với bờ biển và biển Đông, do Tây phương ấn hành suốt từ 1525 đến 1886, chúng ta thấy dần dần sự hiểu biết của thế giới về đất nước ta ngày một chính xác, cả về hình thể lẫn địa danh. Nếu lấy Đại Nam nhất thống toàn đồ (1840) làm căn bản, ta sẽ thấy hầu hết các bản đồ thế giới đều vẽ quần đảo Pracel hay Paracel (gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa) đúng với hình dáng và vị trí của Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa do Quốc sử quán triều Minh Mạng công bố. Hơn nữa, Giám mục Taberd đã ghi rõ trong An Nam đại quốc họa đồ (1838) ở địa điểm thích đáng: Paracel seu Cát Vàng (Paracel hay Cát Vàng). Taberd đã ghi địa danh Nôm Cát Vàng thay cho chữ Hán Hoàng Sa. Như vậy, chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa đã được thế giới khẳng định qua các đồ bản suốt từ 500 năm qua.
Theo Thời nay
_____________________________________
1) Bửu Cầm, Đỗ Văn Anh, Phạm Huy Thuý, Tạ Quang Phát, Trương Bửu Lâm, Hồng Đức bản đồ. Tủ sách Viện Khảo cổ. BQGGD. Sài Gòn, 1962. Trang IX.
2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục. Tập 1. Lê Xuân Giáo dịch. NXB PQVK-VH. Sài Gòn, 1972. Trang 210 - 212.
3) Quốc sử quán, Đại Nam thực lục. Tập III, NXB Sử học, Hà Nội, 1963, tr.136.
4) Như trên, tr. 245.
5) Như trên, tr. 324.
6) Như trên, tập XIII, tr. 52 - 53.
7) Như trên, Tập XIV, tr 180 - 181.
8) Như trên, Tập XVI, tr. 309.
0 nhận xét